Thương mại điện tử Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Theo báo cáo, từ năm 2019 đến 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần - từ 424.000 tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, đứng top 3 về quy mô thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

 

thuong-mai-dien-tu-3917.jpg

Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, đứng top 3 về quy mô thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội nghị kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long 2022, ngày 9/9, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hai đặc điểm nổi bật nhất trong làn sóng thứ 2 của thương mại điện tử chính là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, các thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số.

Ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) - chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee chia sẻ, từ năm 2019 đến 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần - từ 424.000 tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng đơn hàng đặt trên Shopee đã tăng gấp 5 lần - đạt tổng 6 tỷ đơn trong năm 2021. Điều này có nghĩa, cứ mỗi giây có hơn 250 đơn hàng được bán ra trên Shopee và kinh doanh qua thương mại điện tử chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ngoài sàn thương mại điện tử mà Shopee đang vận hành tại Việt Nam, hiện Shopee bắt đầu phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số - CID) triển khai Shopee International Platform - Chương trình Bán hàng Toàn cầu. Chương trình này phù hợp với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang muốn bán hàng ra nước ngoài nhưng quy mô chưa đủ để tự vận hành.

“Thương mại điện tử không chỉ là thay thế việc mua sắm tại cửa hàng bằng các giao dịch online. Sức mạnh của các nền tảng số nằm ở khả năng giúp người mua tiếp cận nhiều loại sản phẩm hơn ở mức giá thấp hơn, và kết nối người bán với nhiều người mua hơn và tăng số lượng sản phẩm bán ra”, ông Jason Bay nói.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, những năm gần đây Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, đứng top 3 về quy mô thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, được đánh giá cao về tiềm năng phát triển số hóa các dịch vụ, lĩnh vực, ngành nghề.

Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cùng nhiều Bộ ngành Trung ương, các Sở ngành địa phương cùng các đối tác, các doanh nghiệp thương mại điện tử đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, phân phối sản phẩm trên các Sàn thương mại điện tử như Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday hay Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn thương mại điện tử, Goonline.

 

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia đào tạo đến từ các sàn thương mại điện tử lớn, như Voso, Postmart, Shopee, Tiki hay các đối tác cung cấp giải pháp số như Sapo, VPBank… đã giới thiệu các giải pháp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc thúc đẩy bán hàng trên thương mại điện tử và ứng dụng các giải pháp tài chính số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây được xem là Chương trình khá đầy đủ về lĩnh vực thương mại điện tử, những kiến thức, kinh nghiệm thực tế để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã chuẩn bị một cách bài bản các quy trình, từ đó sẵn sàng tham gia vào thị trường trực tuyến.

Cụ thể, các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Shopee sẽ chú trọng phối hợp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tham gia giao dịch, xây dựng thói quen hoạt động trên sàn thương mại điện tử.

Hỗ trợ quảng bá, truyền thông, tiếp cận đến người tiêu dùng cả nước; tổ chức đào tạo, tập huấn khoa học, công nghệ và kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh để đưa nông sản lên sàn được hiệu quả nhất. Đồng thời, các tư vấn viên tại Hội nghị sẽ hướng dẫn chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết lập gian hàng và vận hành, truyền thông, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.

Đại diện Sàn thương mại điện tử Voso cho biết, để tham gia tốt vào hoạt động kết nối kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp (hợp tác xã, các cơ sở sản xuất) tại Cần Thơ và khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cần thực hiện sản xuất theo quy chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói…).

Đảm bảo sản phẩm nông nghiệp có đủ điều kiện để đưa lên sàn thương mại điện tử và lưu thông đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cùng chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, ưu tiên những sản phẩm an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP… Người nông dân cũng cần tạo nên câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và đưa ra thị trường thông qua các kênh truyền thông để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của mình.

Vân Bùi