Theo các nhà đầu tư, nhóm cổ phiếu dầu khí là một nhóm ngành khó nắm bắt do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu ngành dầu khí đã thể hiện rất tích cực, thậm chí có nhiều phiên cổ phiếu dầu khí còn “vụt sáng” đi ngược diễn biến thị trường.
Cổ phiếu ngành dầu khí được đánh giá sẽ có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ từ năm 2023
Theo các chuyên gia, cổ phiếu ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi từ trong nửa cuối năm 2023 vì một số lý do như tình hình kinh tế năm 2023 sẽ rơi vào suy thoái, thế nhưng giá dầu thế giới được kỳ vọng neo cao quanh ở mức 80 USD / thùng, đây sẽ là cơ sở giúp cải thiện vấn đề của các doanh nghiệp dầu khí. Tăng trưởng giá bán sẽ là một trong hai yếu tố giúp biên lợi nhuận gộp cũng như doanh thu của các doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng đáng kể.
Có thể kể đến một số nguyên nhân chính dẫn tới kỳ vọng giá dầu sẽ neo cao, giới chuyên gia đánh giá, nguồn cung và lực cầu về dầu khí được đánh giá tương đối cân bằng trong năm nay. Bên cạnh đó, sau quá trình thực hiện Zero-Covid, nhu cầu sử dụng dầu khí của các quốc gia lớn như Trung được kỳ vọng tăng cao. Cuối cùng, chiến tranh Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu dẫn tới giá dầu có thể tiếp tục neo ở mức cao.
Nhìn lại năm 2022, đây là một năm chứng kiến những biến động mạnh của giá dầu: giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng. Dòng chảy dầu khí trên thế giới được tái định hướng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí đều ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục, các cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến khá ấn tượng.
Quy hoạch tổng thể ngành khí đốt của Việt Nam dự báo nhu cầu khí đốt sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2030, đạt khoảng 20 tỷ mét khối mỗi năm. Nhu cầu gia tăng này sẽ được thúc đẩy bởi các kế hoạch tăng công suất phát điện khí từ khoảng 9 GW vào năm 2021 lên 39 GW vào năm 2030.
Phần lớn nhu cầu này sẽ được đáp ứng bởi các mỏ mới với chi phí cao hơn để phát triển do ở vùng nước sâu hơn và địa chất phức tạp hơn. Do đó, bắt đầu từ năm 2023, việc nhập khẩu LNG cũng sẽ cần thiết để bổ sung cho sản xuất khí tự nhiên trong nước đang suy giảm.
Trong trung hạn, khai thác khí đốt tự nhiên của Việt Nam sẽ vẫn tập trung ở khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ nhờ việc thương mại hóa các mỏ khí đốt quy mô lớn, cụ thể là Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh... Mặc dù tiềm năng rất lớn từ các mỏ khí đốt mới, nhưng các dự án khí đốt tự nhiên thường bị đình trệ do bối cảnh phức tạp ngoài khơi và thủ tục pháp lý. Vì vậy, việc nhập khẩu LNG là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng liên tục trong nước.
Những thông tin tích cực trong thời gian gần đây đến từ tình hình triển khai các dự án trọng điểm trong nước, điển hình như đại dự án Lô B - Ô Môn đã tiếp tục giúp cổ phiếu dầu khí hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi dự án được triển khai, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là những doanh nghiệp ở thượng nguồn như GAS, PVD, PVS...
Đánh giá một cách tổng quan nhóm dầu khí đang hội tụ đủ các yếu tố có thể hình thành nên một sóng ngành tâm điểm của năm 2023. Các cổ phiếu dẫn dắt nhóm ngành dầu khí là PVS, PVB, PVD. Các doanh nghiệp thuộc nhóm trung nguồn và hạ nguồn sẽ có vận động theo sóng ngành nhưng xung lực sẽ không bằng được những cổ phiếu dẫn dắt.