Tổng thống Joe Biden có động thái đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng khi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature có nguy cơ lan rộng ra toàn hệ thống…
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng về việc đưa ra quy định mới cho các ngân hàng lớn sau vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ thời điểm hiện tại khiến việc thông qua các quy định mới trở nên khó khăn hơn.
Nhóm kinh tế của ông Joe Biden đã làm việc với các cơ quan quản lý vào cuối tuần về các biện pháp, bao gồm đảm bảo tiền gửi ở cả hai ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature, đồng thời thiết lập một cơ sở mới để cho phép các ngân hàng tiếp cận với các quỹ khẩn cấp, giúp các ngân hàng vay từ Cục Dự trữ Liên bang dễ dàng hơn khi gặp tình huống nguy cấp.
Các động thái này đã trấn an các nhà đầu tư của Thung lũng Silicon và khiến các hợp đồng chứng khoán tương lai được tiếp sức. Nhưng cuộc khủng hoảng đang thử thách niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ và nhiều người vẫn còn lo ngại hậu quả của nó sẽ làm chao đảo thị trường toàn cầu trong tuần tới.
"Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần", ông Joe Biden tuyên bố.
Cùng với đó, Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra lưu ý về các kế hoạch bổ sung để giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng trong bối cảnh khủng hoảng do sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng SVB vào tuần trước.
“Tôi sẽ đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm cho mớ hỗn độn này phải giải trình đầy đủ về vụ việc. Đồng thời, tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều tiết các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình trạng này một lần nữa”, ông Biden nói.
Cuộc Đại suy thoái gây ra bởi việc các ngân hàng cho vay với lãi suất cắt cổ trở thành tâm điểm chú ý trong thời gian này. Các quy tắc mới được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, trong đó một phần đã bị bãi bỏ một phần vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Một biện pháp được đưa ra bấy giờ là việc cải cách Đạo luật Dodd-Frank do Đảng Cộng hòa thúc đẩy. Thay đổi này đã nâng ngưỡng được coi là rủi ro hệ thống của các ngân hàng lên 250 tỷ USD từ 50 tỷ USD trước đó. Ngân hàng SVB có tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Joe Biden của đảng Dân chủ phải đối mặt với một Quốc hội bị chia rẽ sau khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1, dẫn đến việc đưa ra các quy định mới về ngân hàng của Mỹ có thể gặp khó khăn.
John Coffee, giáo sư tại Trường Luật Columbia cho biết: "Vấn đề thực sự ở đây là các ngân hàng được phép nắm giữ những khoản vay và chứng khoán kém thanh khoản đến ngày đáo hạn mà không phải hạ giá, mặc dù chúng có giá trị thị trường thấp hơn nhiều so với giá trị trên bảng cân đối kế toán. Nhưng khi SVB bán một phần trong số đó và tiết lộ khoản lỗ của mình, họ đã tạo ra sự hoảng loạn”.
Thượng nghị sĩ Tim Scott, một đảng viên Cộng hòa từ Nam Carolina, thành viên của ủy ban các vấn đề ngân hàng, nhà ở và đô thị của Thượng viện cho biết điều quan trọng là đưa thị trường đến một giải pháp bình tĩnh và có trật tự, nhưng cảnh báo rằng sự can thiệp quá nhiều của chính phủ là không nên.
Ông cho biết trong một tuyên bố: “Không có gì ngăn cản các tổ chức trong tương lai dựa dẫm vào Chính phủ để xử lý hậu quả của việc chấp nhận rủi ro quá mức nếu chúng ta biến sự can thiệp của Chính phủ thành thông lệ”, Scott nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng ông cam kết đưa những cá nhân có trách nhiệm giải trình về cuộc khủng hoảng.