Tình trạng quá tải du lịch tại nhiều thành phố trên khắp thế giới đã khiến các chính quyền địa phương buộc phải vội vã tìm cách ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường và cuộc sống của người dân…
Khi ngành du lịch trên toàn thế giới quay trở lại mức trước đại dịch, sự tăng trưởng quá mức của khách du lịch cũng đã dẫn đến các tác động tiêu cực tới địa danh, con người và cảnh quan thành phố khiến chính quyền địa phương phải chủ động triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó.
Ước tính, dân số thế giới sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và dự kiến sẽ có thêm 50 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm - chủ yếu đến từ châu Á - từ nay đến năm 2030, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc.
Tại ngôi làng nhỏ Hallstatt của Áo - nơi được đồn đại là nguồn cảm hứng cho loạt phim bom tấn “Frozen” của Disney, cư dân đã xây dựng một bức tường lớn tại địa điểm quan sát nổi tiếng sau khi lượng khách du lịch đến ngôi làng tăng đột biến nhờ các phân cách xuất hiện trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Bà Tatyana Tsukanova, nghiên cứu viên tại Thụy Sĩ cho biết: “800 cư dân ngôi làng phải đối mặt với lượng khách du lịch lên đến 1 triệu người mỗi năm”.
Nhưng bức tường không tồn tại được lâu. Bà Tsukanova giải thích rằng sau phản ứng dữ dội trên mạng, các quan chức của làng đã gỡ nó xuống.
Một số thành phố và địa điểm khác đang giới hạn lượng du khách hàng ngày (Machu Picchu ở Peru, Acropolis ở Athens, Borobudur ở Indonesia, các bãi biển ở Sardinia) cũng như các tàu du lịch lớn (Venice, Bora Bora).
Nhưng có một thành phố thậm chí còn có những biện pháp gay gắt hơn thế, điển hình là Amsterdam.
Theo Guardian, Amsterdam - nơi còn được gọi là thành phố tiên phong trong việc chống lại tình trạng quá tải du lịch - đã đặt hạn chế đối với xe buýt, cửa hàng du lịch, khai trương khách sạn mới và cho thuê nhà kiểu Airbnb. Thành phố cũng đang xem xét việc cấm tàu du lịch và chuyển khu đèn đỏ nổi tiếng ra khỏi khu vực trung tâm.
Thủ đô của Hà Lan đã phát động một chiến dịch vào tháng 4, yêu cầu một số du khách – cụ thể là khách du lịch nam giới trẻ tuổi người Anh – đừng đến thành phố nếu họ chỉ đến đây để tiệc tùng.
Một số thành phố khác thì chặt chẽ hơn trong việc phạt tiền đối với hành vi xấu. Venice phạt du khách ăn uống bừa bãi, bơi trong kênh hay mặc đồ bơi khi đi dạo. Và bắt đầu từ năm tới, thành phố cũng sẽ triển khai mức phí 5 USD cho du khách ghé thăm vào ban ngày.
Ngoài Venice, thuế du lịch mới cũng sắp sửa được thực hiện tại Valencia (Tây Ban Nha), Manchester (Anh), Thái Lan và Iceland. Bali cũng sẽ đánh thuế du khách 150.000 rupiah (10 USD) bắt đầu từ tháng 2/2024.
Thực tế, những khoản phí này nhận được phản hồi khá tích cực từ du khách. “Gần 40% trong số người được khảo sát đồng ý và ủng hộ phí du lịch, nếu doanh thu tạo ra có thể được sử dụng vào cơ sở vật chất và dịch vụ cho cả khách du lịch và người dân địa phương”, ông Ivan Saprov, nhà sáng lập công ty công nghệ du lịch Voyagu có trụ sở tại Mỹ cho biết.
Theo quan điểm của bà Tatyana Tsukanova, các biện pháp về kinh tế là chưa đủ, bởi chỉ riêng tiền phạt và tiền phí sẽ chưa thể giảm bớt được tình trạng quá tải du lịch. Vẫn cần có cả sự hợp tác giữa các thành phố, địa điểm, doanh nghiệp địa phương và người dân.
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc Zurab Pololikashvili tin rằng chìa khóa để vượt qua tình trạng quá tải du lịch nằm ở dòng khách du lịch. “Vấn đề là quản lý dòng người và công nghệ mới có thể giúp ích”, ông Pololikashvili nói thêm.
Để giải quyết tình trạng đông đúc mà không phải hy sinh nguồn doanh thu đến từ du lịch, một số quốc gia đang tìm cách thu hút du khách đến những khu vực ít được biết đến.
Indonesia đã giới thiệu chương trình “10 Bali mới” vào năm 2016, sau đó giảm xuống còn “5 Bali mới”, để giới thiệu cho du khách những địa điểm đẹp khác trong nước. Các quan chức Nhật Bản đang thúc đẩy du khách đến thăm các vùng nông thôn, nơi một nửa số đô thị có nguy cơ biến mất vào năm 2040 do dân số giảm sút.
Darrell Wade, đồng sáng lập của Intrepid Travel nhận xét: “Một trong những vấn đề của du lịch hiện nay là nó đi ngược lại với sự tái tạo. Nó mang tính khai thác - và điều này không thể tiếp tục lâu hơn nữa”.
Bà Tsukanova cũng nhấn mạnh: “Du khách cần thay đổi suy nghĩ của mình. Họ không chỉ nên đến thăm quan rồi rời đi. Khách du lịch cũng có thể tham gia vào các hoạt động giúp đỡ cộng đồng mà họ ghé thăm. Cần có sự giáo dục và hướng dẫn mọi người du lịch theo một cách có ý thức và bền vững hơn”.