CVN bị phạt 150 triệu đồng vì thay đổi phương án sử dụng số tiền huy động vốn qua kênh chào bán cổ phiếu riêng lẻ khi chưa được Đại hội đồng cổ đông cho phép.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Vinam (mã chứng khoán: CVN) ngày 7/7. Cụ thể, CVN bị phạt do có hành vi vi phạm thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho phép thực hiện.
Theo đó, ngày 11/1/2021, CVN hoàn thành đợt chào bán 8.250.000 cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 115,5 tỷ đồng lên 198 tỷ đồng. Sau đó, ngày 29/3/2021, Hội đồng quản trị CVN thông qua Nghị quyết số 2903/2021/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 44,44% số tiền thu được từ đợt chào bán) theo ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông và đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 về việc đã sử dụng hết 100% số tiền thu được từ đợt chào bán tại Nghị quyết số 25/2021/CVN ngày 01/7/2021.
Tuy nhiên, ngày 10/1/2022, Hội đồng quản trị CVN tiếp tục thông qua Nghị quyết số 1001/2022/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 20,2% số tiền thu được từ đợt chào bán) nhưng không được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền.
Với hành vi vi phạm trên, CVN bị xử phạt 150 triệu đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CVN vào diện bị cảnh báo từ 24/4/2023 do Tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 của Công ty. Kết phiên giao dịch 11/7, giá cổ phiếu CVN đi ngang dừng ở mức tham chiếu 3.800 đồng/cổ phiếu.
Thị giá cổ phiếu CVN đi ngang trong những phiên gần đây
Ở một diễn biến khác, chỉ trong tháng 5 vừa qua đã chứng kiến 2 giao dịch bán ra lượng lớn cổ phiếu CVN. Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Cường đã bán 980.000 cổ phiếu CVN để giảm tỷ lệ từ 6,06% về 2,75% qua đó không còn là cổ đông lớn từ 11/5. Tiếp đó, ông Nguyễn Minh Tuấn đã bán ra 2.161.200 cổ phiếu CVN, qua đó giảm tỷ lệ từ 10,1% về 2,82% và cũng không còn là cổ đông lớn từ 17/5.
Tạm tính theo giá kết phiên 11/5 là 3.500 đồng/cổ phiếu và phiên 17/5 là 3.700 đồng/cổ phiếu, số tiền mà ông Cường và ông Tuấn lần lượt thu về là 3,4 tỷ đồng và 7,9 tỷ đồng.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức ngày 8/6 của CVN đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng lần lượt tăng 230% và 576% so với năm 2022.
Năm 2022, CVN ghi nhận 107 tỷ đồng doanh thu và 8,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Đại hội cũng thông qua việc dừng kế hoạch chào bán 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Công ty Cổ phần Vinam tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu Tư Tài Nguyên và Năng Lượng Việt Nam, được thành lập ngày 14/2/2007. Đến tháng 12/2009, Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Vinam, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng hiện tăng lên 269 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là Xây dựng dân dụng, Bán buôn vật liệu xây dựng và tư vấn lập hồ sơ thầu.