Mặc dù giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh trong những tháng gần đây nhưng điều này có thể sẽ không gây tác động quá lớn đến lạm phát của Việt Nam. Dự báo lạm phát cả năm nay sẽ chỉ ở mức dưới 4%.
Bất chấp giá dầu thô tăng vọt, lạm phát cả năm sẽ ở mức thấp
Theo đánh giá mới đây của nhóm phân tích thuộc hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), giá dầu tăng trở lại như xu hướng những tháng gần đây chưa gây trở ngại đối với việc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.
Việc giá dầu tăng gần đây đang trở thành mối quan ngại đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Những ngày cuối tháng 9/2023, giá dầu thô Brent đã đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2022. Dầu Brent đã tăng giá khoảng 9,7% trong tháng 9/2023 và 27,3% trong quy 3/2023 do việc cắt giảm nguồn cung của liên minh OPEC+.
Yếu tố thắt chặt nguồn cung đang tác động lên giá dầu mạnh hơn lo ngại nhu cầu sử dụng yếu đi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn kỳ vọng. Đặc biệt trong những ngày gần đây, thị trường còn đối mặt rủi ro suy yếu nguồn cung từ Vùng Vịnh hơn nữa khi xung đột quân sự giữa Israel và Palestine bất ngờ nổ ra với mức độ nghiêm trọng nhất 50 năm trở lại đây. Khoảng 20% nguồn cung dầu thô toàn cầu hiện đến từ khu vực Vùng Vịnh.
Theo VDSC, dù kịch bản giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng có thể xảy ra trong quý cuối năm 2023, ngưỡng cao như vậy khó có thể duy trì được lâu trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và áp lực từ việc cắt giảm nguồn cung từ khối OPEC+ phần nào đã phản ánh vào diễn biến giá dầu trong quý vừa qua.
Đáng chú ý, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia lãnh đạo của liên minh OPEC+, đã cho biết sẽ phối hợp và đảm bảo giữ thị trường ở mức cân bằng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới hiện nhận định, nếu cuộc xung đột giữa Israel và Palestine leo thang hoặc kéo dài thì sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, kéo theo đó là áp lực giảm lên giá dầu thô.
Do đó, theo VDSC, kịch bản hợp lý ở thời điểm hiện tại là giá dầu Brent có thể dao động ở mức trung bình 95USD/thùng trong quý 4/2023, cao hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với diễn biến lạm phát trong nước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,1% trong tháng 9 là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2021. Mặc dù chỉ số giá lương thực và giao thông tiếp tục đẩy giá cả tăng lên, VDSC cho rằng vẫn có cơ sở để không quá lo lắng về diễn biến lạm phát trong nước.
Thứ nhất, lạm phát cơ bản vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, lạm phát cơ bản tháng 9/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,26% so với tháng trước.
Thứ hai, yếu tố tăng giá đẩy lạm phát chung trong tháng 9/2023 tăng cao ngoài việc giá xăng dầu và giá gạo tăng thì còn có thêm ảnh hưởng của chi phí giáo dục, vốn có tính mùa vụ và mức tăng cao trong tháng 9 sẽ không tiếp diễn trong các tháng tiếp theo.
Thứ ba, xu hướng giảm gần đây của giá gạo thế giới có thể khiến cho đà tăng của giá gạo trong nước chững lại, đồng thời, thị trường gạo vẫn phụ thuộc vào biến số là chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Thứ tư, với giả định giá dầu ở mức bình quân 95 USD/thùng trong Q4/2023 thì giá dầu bình quân cả năm 2023 vẫn thấp hơn 14,2% so với năm trước.
Cuối cùng, nhìn về sức cầu trong nước, VDSC cho rằng lạm phát do cầu kéo trong giai đoạn hiện tại là không đáng kể. Dựa vào các lập luận trên, VDSC cho rằng lạm phát cả năm 2023 vẫn ở mức 3,5-3,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ đề ra hiện nay.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Áp lực lên tỷ giá vẫn cao, Ngân hàng Nhà nước có thể có các biện pháp quyết liệt hơn
Tuy nhiên, nhóm phân tích của VDSC lưu ý áp lực tỷ giá và thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng vẫn đang là thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước.
Thông điệp sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9/2023 đã tạo ra một bước chuyển đối với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2024. Lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed đã dẫn dắt chỉ số USD Dollar Index (DXY) lập kỷ lục mới.
Đáng chú ý là cả giá dầu và chỉ số DXY đều quay về mức cao nhất vào thời điểm tháng 11/2022. Những diễn biến trong vài năm trở lại đây đặt ra dấu hỏi về quan hệ nghịch chiều giữa sức mạnh đồng USD và giá hàng hoá (đặc biệt là giá dầu thô) đã không còn hiệu lực như trước, theo VDSC.
Trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, quyền lực kinh tế Mỹ gia tăng và dòng vốn dịch chuyển về môi trường lãi suất cao. Diễn biến thuận chiều của giá hàng hoá và chỉ số DXY đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước hai áp lực về lạm phát và tỷ giá.
Nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền Việt Nam Đồng vẫn rất lớn, đòi hỏi phản ứng quyết liệt hơn từ Ngân hàng Nhà nước. Từ sau cuộc họp của Fed, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 200.000 tỷ đồng trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu.
Xem thêm: "VDSC: Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Mặc dù lượng hút ròng lớn nhưng thanh khoản trong hệ thống vẫn đang khá dồi dào. Điều này được phản ánh thông qua mức lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng chỉ nhích tăng, thậm chí có xu hướng giảm trong những phiên gần đây.
Cụ thể, mức lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm áp dụng từ ngày 11/10 đạt 0,37%/năm, thấp hơn mức 1,14% được Ngân hàng Nhà nước áp dụng vào cuối tuần trước. Tương tự, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần cũng giảm từ 1,33%/năm xuống còn 0,58%/năm.
Trong khi đó, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn neo ở mức cao. Chốt phiên giao dịch hôm nay (13/10), ba ngân hàng lớn hàng đầu hệ thống là Vietcombank, BIDV và VietinBank đồng loạt niêm yết giá bán USD dao động từ 24.605 - 24.665 đồng/USD.
Trong công bố mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92% so với đầu năm.