Sau đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng có dấu hiệu leo thang, mở rộng ra cả ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh thương mại này, do đó phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế để thiết lập chuỗi cung ứng.
Gần đây nhất, vào ngày cuối cùng của tháng 5, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất nước Đức là Infineon Technologies đã thông báo thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) bán dẫn tại Hà Nội. Trước đó, vào tháng 3, lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp là nhà cung ứng cho tập đoàn ASML chuyên sản xuất máy khắc quan – thiết bị quan trọng nhất để sản xuất chip bán dẫn – đã có chuyến thăm Việt Nam để xem xét mở rộng hoặc xây mới một số nhà máy.
Cuối năm ngoái, doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam là Samsung đã thành lập một trung tâm R&D tại Hà Nội. Theo kế hoạch, Samsung sẽ sản xuất hàng loạt chip bán dẫn trong năm nay. Cuối năm, Amkor Technology, một ông lớn ngành bán dẫn toàn cầu cũng dự tính sẽ mở nhà máy tại Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam đã chớp lấy cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng bán dẫn và nhanh chóng trở thành một trong những nhà xuất khẩu bán dẫn hàng đầu trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nền kinh tế xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ, chỉ sau Malaysia và Đài Loan. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu bán dẫn của Việt Nam đạt khoảng 560 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ.
Đây là một cơ hội lớn, bởi chip bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ngành xe điện. South China Morning Post nhận định, nếu định vị chiến lược tập trung vào lĩnh vực này, Việt Nam sẽ nhận được nhiều lợi ích đáng kể.
Tuy nhiên, “miếng bánh” bán dẫn dường như chỉ đang dành cho các doanh nghiệp FDI và chủ yếu nằm ở các khâu lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Theo TS. Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên tại Viện Yusof Ishak (ISEAS), Việt Nam vẫn chưa sản xuất được chất bán dẫn trong nước. Những con chip bán dẫn được dán nhãn “made in Việt Nam” đầu tiên của FPT thực tế vẫn được sản xuất tại Hàn Quốc.
Trong bài viết đăng trên trang của ISEAS, ông Giang nhận định, Việt Nam có tham vọng thúc đẩy sự tự lực về sản xuất bán dẫn của những doanh nghiệp hàng đầu trong nước như FPT hay Viettel.
Theo ông Giang, ngành chip có mức thâm dụng vốn rất cao, do đó tương đối khó khăn cho các doanh nghiệp nội để có thể thiết lập hệ sinh thái sản xuất cần thiết. Thực tế, đa phần công ty công nghệ trong nước vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có khả năng mở rộng. Cộng với việc chưa tự chủ được linh kiện phần cứng cho ngành công nghệ cao nói chung, chuyên gia ISEAS bày tỏ e ngại về khả năng xây dựng cơ sở cung ứng chất bán dẫn tại Việt Nam.
Hãng chip hàng đầu thế giới muốn thiết lập chuỗi sản xuất tại Việt Nam
Đối với thực trạng này, ông Giang khuyến nghị, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng chiến lược thu hút những tập đoàn công nghệ toàn cầu thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam, đồng thời tận dụng cơ hội để dần nâng cao vai trò của các nhà cung ứng trong nước.
Một thách thức khác của ngành bán dẫn là vấn đề nhân lực. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn là rất lớn, có thể lên đến hàng chục nghìn nhân công có tay nghề mỗi năm. Tuy nhiên, tốc độ đào tạo nhân lực liên quan đến công nghệ cao nói chung vẫn còn tương đối chậm, khó đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, dù rất mong muốn gặt hái thành quả từ làn sóng bán dẫn nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện cho ngành kinh doanh chất bán dẫn, bao gồm chính sách bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước. Vị chuyên gia bình luận, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn của các ông lớn trên toàn cầu.
“Tăng cường hệ thống giáo dục, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng một chiến lược quốc gia rõ ràng, Việt Nam mới có thể biến làn sóng bán dẫn trở thành một “cuộc chạy đua” được chuẩn bị bài bản”, ông Giang nhấn mạnh.