Việc yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo được đưa ra khi Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nghiệm Afghanistan) có công điện nêu rõ, một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu chè qua hai thị trường này sử dụng hoá chất để nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè nhằm hấp dẫn người tiêu dùng.
Công ty Chè Đặng Gia, một trong 5 doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo về việc sản xuất, xuất khẩu chè sang Pakistan và Afghanistan
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo số liệu của Chi cục Hải quan Thành phố Đà Lạt, từ năm 2022 đến 5 tháng đầu năm 2023, có 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng làm thủ tục xuất khẩu chè qua thị trường Pakistan và Afghanistan tại Chi cục Hải quan Thành phố Đà Lạt.
Đó là các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phong Giang, Doanh nghiệp tư nhân Chế biến thương mại Thiện Phương, Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Nam Anh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn chè Đặng Gia.
Chính vì vậy, Sở Công thương Lâm Đồng yêu cầu 5 doanh nghiệp này báo cáo cụ thể về sản phẩm, sản lượng chè sản xuất tại công ty và sản phẩm, sản lượng chè, kim ngạch xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan và Afghanistan trong thời gian từ năm 2022 đến 5/2023.
Quảng cáo
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên nêu cụ thể quy trình, công nghệ sản xuất chè. Trong đó, các doanh nghiệp cần nêu cụ thể trong quá trình sản xuất, chế biến chè có sử dụng hoá chất nhuộm chè không?
Trường hợp có sử dụng hoá chất nhuộm chè thì theo quy định tại văn bản nào? Cung cấp cụ thể hình ảnh nhãn mác, thông tin cụ thể về hoá chất sử dụng. Đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất và xuất khẩu chè của doanh nghiệp.
Việc yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo được đưa ra khi Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nghiệm Afghanistan) đã có công điện nêu rõ, một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu chè qua hai thị trường này sử dụng hoá chất để nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè nhằm hấp dẫn người tiêu dùng.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan và Afghanistan tại Lâm Đồng yêu cầu “không sử dụng hóa chất để nhuộm chè trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, đồng thời “tăng cường công tác quản lý chất lượng, chung tay bảo vệ thương hiệu chè của Việt Nam”, “kịp thời thông báo về cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để nhuộm chè”.
Theo đánh giá của Sở Công thương và Sở Nông nghiệp & Phát triển tỉnh Lâm Đồng, việc sử dụng hoá chất để nhuộm chè không những có hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn là một hành vi gian lận thương mại, gây nhầm lẫn về chất lượng hàng hoá, dẫn đến mất niềm tin vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước với trên 11.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm và Thành phố Bảo Lộc. Sản lượng chè hàng năm của tỉnh này vào khoảng 160.000 tấn.