Trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh “sẽ khẩn trương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Chính phủ giao để làm cơ sở pháp lý về chính sách cũng như kế hoạch để thực hiện Quy hoạch điện VIII”.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới. Thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như phương án phát triển nguồn điện, lưới điện sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030 cũng như giải pháp thực hiện quy hoạch đó.
Liên quan đến các giải pháp cụ thể trong Quy hoạch điện VIII, theo quy định của Luật Quy hoạch cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, những dự án quan trọng và được ưu tiên của ngành điện đã được quy định cụ thể trong quy hoạch. Vì vậy, trong Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có những dự án quan trọng, ưu tiên phát triển như nhiệt điện than, dự án khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu, các dự án thuỷ điện vừa và lớn, dự án lưới điện từ 220kV trở lên,…
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua định hướng thời gian ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng, nguồn điện phân tán với quy mô nhỏ nên theo Luật thì các dự án như vậy chưa được quy định trong Quyết định phê duyệt quy hoạch điện cùa Thủ tướng Chính phủ” - ông Dũng thông tin thêm.
Vì vậy, bước tiếp theo để có cơ sở thực hiện các dự án không phải dự án được ưu tiên Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, ngoài những nội dung được quy hoạch theo Luật Quy hoạch về xác định những nguồn lực để làm quy hoạch sẽ được tính toán và xác định dự án cụ thể.
Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5/2023
Theo Quyết định được phê duyệt, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện quy mô quy hoạch, cũng như hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định; Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Chính phủ giao để làm cơ sở pháp lý về chính sách cũng như kế hoạch để thực hiện Quy hoạch điện VIII” - ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.
bộ