Những tiêu chí về chỗ ở được coi là bảo đảm mức sống tối thiểu cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), như diện tích, điều kiện vệ sinh, an ninh và gần đây là tiêu chí về phòng cháy chữa cháy (PCCC), năm nào cũng được nhắc đến trong nhiều hội thảo, hội nghị. Nhưng hầu hết chỉ nêu hiện trạng và khuyến nghị chứ chưa có giải pháp. Hàng nghìn công nhân tại các KCN vẫn phải sống trong những khu trọ giá rẻ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém và mất an toàn, an ninh.
30 người dùng chung… 2 nhà vệ sinh
Một dự thảo các tiêu chí về điều kiện sống trong các khu nhà trọ cho lao động di cư đã được đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giới thiệu tại Hội thảo tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, một chỗ ở được coi là đáp ứng điều kiện sống tối thiểu phải bảo đảm người cư trú có thể tiếp cận nước uống an toàn, vệ sinh, bảo đảm năng lượng để nấu ăn, sưởi ấm, chiếu sáng, đồng thời cung cấp các dịch vụ xử lý rác thải và dự trữ thực phẩm; nhà ở phải an toàn về cơ sở vật chất hoặc cung cấp đủ không gian sinh hoạt, cũng như được bảo vệ chống lại các mối đe dọa khác đối với sức khỏe.
Đời sống của nhiều công nhân trên thực tế lại khác xa với những tiêu chí đề ra, dù chỉ là trên dự thảo. Một khảo sát của IOM cuối tháng 6, thực hiện với 420 người lao động và một số chủ nhà trọ cho thấy: 25% người được hỏi cho biết, họ không hài lòng với nguồn nước được cung cấp, 20% không hài lòng với hệ thống thông gió, 24% với hệ thống ánh sáng và 22% với hệ thống thu gom rác tại nhà trọ. Có đến 80% người được hỏi cho biết, họ cảm thấy phòng trọ của mình chưa được thiết kế an toàn, thiếu an tâm về phòng cháy chữa cháy, kết cấu xây dựng và nguồn nước sinh hoạt... Con số trên, tuy đã là đáng quan ngại, nhưng mẫu khảo sát quá ít và chưa phản ánh hết thực tế trong nhiều khu trọ hiện nay.
Từ năm 2005 khi làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, chị Lê Thị Hường (36 tuổi, thôn Nhuế, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), đã chuyển rất nhiều nơi ở. Chị từng sống trong những căn phòng trọ 9 m2 cùng với nhiều người khác, rất chật chội và nóng bức. Công nhân đi làm về đến phòng trọ chỉ cần một chỗ ngủ nên cũng không đòi hỏi gì nhiều. Nhưng khu nhà trọ lại ở nơi ẩm thấp, mỗi khi mưa lớn, nước theo rác thải tràn hết vào phòng. Nhiều khi ngủ dậy đồ điện ngập hết dưới nước, “vừa bất tiện, vừa nguy hiểm” chị Hường nhớ lại. Nơi ở hiện nay của gia đình chị Hường đã thuê được 3 năm với giá 1,5 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 30 m2 cho 4 người ở. Căn nhà cấp 4, mái tôn cũ không cửa sổ, tường ẩm mốc hết, lại ở trong ngõ sâu ẩm thấp về mùa đông và nóng nực vào mùa hè. “Đoạn đường này thường xuyên xảy ra mất trộm, nhưng gia đình không tìm ra chỗ thuê khác có giá tốt như thế”, chị Hường chép miệng.
Với gia đình anh Lê Văn Hải (Công ty Molex, KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh), thì bất tiện nhất khi ở trọ là khu vệ sinh chung. Cả dãy trọ chỉ có 2 nhà vệ sinh chung, cho hơn 30 người sử dụng. Mỗi khi tan tầm, hơn 15 phòng trọ đều sáng đèn, khu vực nhà vệ sinh trở thành cao điểm tắc nghẽn. Chỉ riêng đợi nhau tắm cũng mất cả giờ. Những công nhân như anh Hải không có lựa chọn nào khác ngoài những khu trọ lụp xụp, ẩm thấp và thiếu đủ thứ. “Nhưng lo lắng nhất là mất trộm. Cả khu trọ có một cửa ra vào chung, ít khi khóa, nên các vụ trộm cắp, xâm nhập trái phép thường xuyên xảy ra. Thế nên những người ở tầng 1 thì dắt luôn xe máy vào trong phòng, để ngay cạnh giường ngủ cho yên tâm”, anh Hải kể.
Mong chỗ trọ an toàn
Đi một vòng quanh khu chợ Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), nơi tập trung nhiều dãy nhà trọ cho công nhân, không khó để nhận ra nhiều dãy trọ 3-4 tầng, xây úp mặt vào nhau, phòng san sát, lối đi duy nhất gần như luôn bị lấp kín bởi xe máy, đồ đạc các gia đình. Có phòng chỉ tầm 9-10 m2, nhưng 4-5 công nhân sống chung. Các điều kiện vệ sinh môi trường, nước uống, ánh sáng, an ninh, phòng cháy chữa cháy rất hạn chế. Buổi tối, trong ánh điện mờ mờ, tất cả bếp ga mini trong khu đều được bày ra ngay lối đi chung để nấu nướng. “Mấy chục xe máy dựng sát chỗ đun nấu, nếu lửa bốc lên thì có chạy cũng không kịp”, một công nhân lo lắng.
Thực tế chẳng có quy định, hay “chuẩn” nào cho nhà trọ của công nhân đang làm việc trong các KCN. Với đa số công nhân, tiêu chí ưu tiên số một là giá cả. Thế nên, thông tin Công an Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động của 16.479 nhà trọ và 22 chung cư mini trên địa bàn cũng chỉ khiến họ băn khoăn ít nhiều. Ở nơi mà những điều kiện cơ bản về nước sạch, diện tích tối thiểu đã không bảo đảm, nay thêm tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy thì đúng là có lo lắng cũng… không thể làm gì.
Hai con trai đã lớn, phòng trọ đã rất chật chội, bí bách, chị Hường rất mong mua được nhà xã hội giá rẻ hoặc thuê được chung cư (khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê) giá hợp lý để gia đình ở lâu dài. Nhưng năm lần bảy lượt đi lại để xin giấy đăng ký, chị đều nhận được những cái lắc đầu. Người quản lý bảo hồ sơ chờ đang chất đống, “khi nào có chỗ trống hãy đến”. Mà chờ thì biết đến bao giờ!?
Hiện nay, Hà Nội có 10 KCN được thành lập và hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các KCN có khoảng 167 nghìn người. Thành phố hiện nay có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động các KCN đã và đang xây dựng dự án với tổng công suất thiết kế cho khoảng 22.420 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.388 chỗ và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người lao động.
Bài và ảnh: HẢI VÂN