Cách biệt giàu nghèo giữa các thế hệ ngày càng lớn

Hiện tại, khoảng cách giàu nghèo trong nội bộ thế hệ millennials (những cá nhân sinh ra trong giai đoạn 1981-1996) đang ở mức lớn nhất so với tất cả các thế hệ khác, tạo ra sự căng thẳng trong tâm lý tài chính và bất bình đẳng giai cấp mới…

Theo một báo cáo gần đây được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Zachary Van Winkle từ Đại học Oxford cho thấy, ngay cả khi đại đa số thế hệ Millennials phải vật lộn với các khoản nợ sinh viên, công việc lương thấp hay mức tiết kiệm trung bình…, thì tầng lớp giàu có của thế hệ này vẫn đang vượt qua các thế hệ trước.

Trong đó, một cá nhân bình thường thuộc thế hệ Millennials ở độ tuổi 35 có lượng tài sản ít hơn 30% so với thế hệ Boomers (những cá nhân sinh trong giai đoạn 1946-1964) khi ở cùng độ tuổi. Tuy nhiên, top 10% Millennials giàu có lại sở hữu khối tài sản nhiều hơn 20% so với Boombers khi ở cùng độ tuổi.

Các tác giả của báo cáo, ông Zachary Van Winkle, Rob Gruijters và bà Anette Eva Fasang cho biết: “Thế hệ Millennials rất khác nhau nên để nói về một trải nghiệm chung của Millennials thì cũng không có gì đặc biệt cho lắm. Có một số Millennials đang làm rất tốt – hãy nghĩ đến Mark Zuckerberg và Sam Altman – trong khi những người khác lại đang gặp nhiều khó khăn”.

Báo cáo cũng cho thấy thế hệ Millennials - là những người trong độ tuổi từ 28 đến 43 hiện nay - đã phải đối mặt với vô số những trở ngại tài chính liên tục. Họ bước vào tuổi trưởng thành trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, tỷ lệ sở hữu nhà thấp hơn, các khoản nợ lớn hơn tài sản sở hữu, mức lương thấp và công việc không ổn định cũng như tỷ lệ thành lập gia đình có thu nhập kép cũng kém hơn so với thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, có một yếu tố khác đang mang đến tài sản cho thế hệ Millennials: đó là tài sản thừa kế. Trong cái được gọi là “sự chuyển giao tài sản lớn” (the great wealth transfer), những người thuộc thế hệ Boomers dự kiến sẽ chuyển giao khối tài sản từ 70 nghìn tỷ USD đến 90 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới. Và phần lớn trong số đó dự kiến sẽ đến tay con cái của họ, những người thuộc thế hệ Millennials.

“Việc chuyển giao tài sản mà tất cả chúng ta đã nói đến trong 10 năm qua đang được tiến hành. Độ tuổi trung bình của các tỷ phú trên thế giới hiện nay là gần 69. Do vậy, toàn bộ quá trình này sẽ bắt đầu tăng tốc”, John Mathews, người đứng đầu bộ phận Quản lý tài sản tư nhân của UBS giải thích.

Tất nhiên, căng thẳng khoảng cách giàu nghèo trong nội bộ thế hệ Millennials sẽ leo thang khi ngày càng có nhiều của cải được chuyển giao trong những năm tới. Sự phô trương giàu có trên mạng xã hội của những “đứa trẻ con ông cháu cha" có thể góp phần gây ra một cuộc chiến giai cấp và dẫn đến thực trạng nhiều cá nhân dù không giàu có nhưng vẫn chi tiêu quá mức hoặc tạo ra vẻ ngoài xa hoa để “bằng bạn bằng bè”.

Một cuộc khảo sát của Wells Fargo từng cho thấy 29% thế hệ Millennials khá giả (được xác định là có từ 250.000 USD đến hơn 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư) thừa nhận họ đôi khi mua những món đồ quá với khả năng chỉ để gây ấn tượng với người khác. Cũng theo khảo sát, 41% thế hệ Millennials thừa nhận họ dựa vào thẻ tín dụng hoặc các khoản vay để "tài trợ" cho lối sống của mình. Con số này cao hơn nhiều so với 28% ở Gen X (những người sinh ra trong giai đoạn 1965-1980) và 6% ở thế hệ Boomers.

Trong hơn bốn thập kỷ qua, phần lớn các triệu phú và tỷ phú USD (88%) được tạo ra ở Mỹ đều là những người tự thân lập nghiệp, hầu hết là các doanh nhân. Tuy nhiên, sự giàu có được thừa kế đang sớm trở nên phổ biến hơn. UBS trong một báo cáo đã chỉ ra rằng trong số các tỷ phú mới nổi vào năm ngoái, số lượng tỷ phú được thừa kế lần đầu tiên vượt qua số lượng tỷ phú tự thân trong 9 năm. Và lần đầu tiên sau 15 năm, tất cả các tỷ phú dưới 30 tuổi trong danh sách tỷ phú mới nhất của Forbes đều là những người thừa kế.

Tin liên quan