Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tuyển người mẫu nhí là một trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam thời gian vừa qua.

Dấu hiệu nhận biết lừa đảo tuyển người mẫu nhí

Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… các đối tượng lừa đảo sẽ kết bạn với phụ huynh và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí
Các đối tượng lừa đảo sẽ kết bạn với phụ huynh và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Sau khi nạn nhân “cắn câu”, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách.

Thử thách cho các phụ huynh khi muốn con mình tham gia vào ứng tuyển “người mẫu nhí” là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.

Thông thường ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt số tiền đã chuyển.

Biện pháp phòng tránh

Tuy được đặt dưới cách thức hoạt động không mới nhưng những chiêu trò lừa đảo này vẫn ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội gây tâm lí hoang mang cho phụ huynh. Lợi dụng lòng tham của người bị hại khi chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản mà cũng có thể kiếm ra tiền. Nạn nhân vì nhẹ dạ, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà dễ dàng dính bẫy lừa đảo.

Để phòng tránh lừa đảo và những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần lưu ý: Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết.

Đặc biệt cẩn trọng đối với các chương trình tuyển mẫu nhí trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Trường hợp cần thiết để tham gia tuyển mẫu nhí phụ huynh nên đề nghị được gặp mặt trực tiếp để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Kiên quyết không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước.

Ngoài ra, các phụ huynh nên kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả thường sẽ bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi.

Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo.

Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi và tuyệt đối không click vào những đường link lạ. Ngoài ra, người dân nên cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện và nên lưu ý rằng các cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ gọi điện yêu cầu, hỗ trợ người dùng thực hiện các hướng dẫn trực tuyến trên mạng.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc Tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng 1800.6838 của Bộ Công Thương.

Tin liên quan