Trách nhiệm và tình người trong mưa lũ

Trong thiên tai có nhiều hành động đẹp thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình người của lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Giang.

Chỉ biết lao xuống cứu

Từ ngày 9 đến ngày 10/6, mưa lớn kéo dài gây mưa lũ, sạt lở đất, ngập úng tại nhiều huyện, thành phố ở Hà Giang. Tuyến đường từ Quốc lộ 4C xuống lòng hồ thủy điện Nho Quế, nước cuồn cuộn chảy khiến nhiều du khách và người dân khó khăn trong việc di chuyển. Huyện Mèo Vạc đã huy động lực lượng, nòng cốt là các chiến sĩ công an ứng trực nhằm hỗ trợ người dân, du khách.

Cuối chiều 10/6, chị Vừ Thị Thò cùng chồng và con nhỏ di chuyển từ trung tâm huyện về nhà ở thôn Lủng Chứ, xã Thượng Phùng. Đến đoạn đường nước chảy xiết, chị bị dòng nước cuốn đi. Phát hiện thấy, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ cảnh sát giao thông đã lao mình xuống dòng nước, kịp thời cứu chị Thò. Tổ công tác đã đưa gia đình chị đến điểm an toàn để về nhà. Anh Sùng Mí Dính, chồng chị Thò cảm kích: “Gia đình tôi cảm ơn chiến sĩ công an đã dũng cảm giúp đỡ chúng tôi khỏi tai nạn”. Chia sẻ về hành động của mình, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường nói: “Thời điểm đó mực nước lũ không cao nhưng chảy xiết, người yếu không thể đứng vững. Thấy có người bị nạn, mình cũng không có thời gian suy nghĩ nhiều, chỉ biết cứu chị Thò vào nơi an toàn”.

Hơn hai ngày mưa lũ, Thượng úy Tường và tổ công tác của Công an huyện căng mình trong mưa để đưa người dân, du khách đến nơi an toàn. Trong đó có hơn 400 du khách nước ngoài đi từ huyện Đồng Văn sang Mèo Vạc bị kẹt trước đoạn đường ngập sâu khoảng 700 m tại xã Pả Vi.

Trách nhiệm và tình người trong mưa lũ ảnh 1

Các chiến sĩ công an dầm mình trong nước lũ cứu hộ, cứu nạn.

Đến từng điểm trọng yếu

Còn tại TP Hà Giang, sớm ngày 10/6, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Lô, sông Miện dâng cao. Cả 8 xã, phường đều ngập úng, nặng nhất là các xã, phường Nguyễn Trãi, Ngọc Hà, Trần Phú, Minh Khai, Phương Thiện. Nhiều hộ, đồ dùng bị chìm trong nước. Gia đình anh Khiết, chị Giang cùng hai con nhỏ phải leo lên gác xép. Dòng nước mỗi lúc dâng cao, vượt qua cửa nhà, tình thế rất nguy hiểm, gia đình anh hô hào người dân đến ứng cứu. Thượng tá Phan Minh Học, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho biết: “Việc tiếp cận ngôi nhà rất khó khăn do khu vực này gần sông nên nước chảy xiết. Tôi cùng anh em đã dùng thuyền để tiếp cận ngôi nhà, trèo lên phá mái và đưa 4 người trong gia đình đến nơi an toàn”.

Trong buổi sáng 10/6, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh có mặt tại những điểm trọng yếu nhất để cứu hộ, cứu nạn. Ông Lê Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Phương Thiện, TP Hà Giang cho biết, các thôn, tổ dân phố đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để cảnh báo, hỗ trợ ban đầu. Nhưng đợt lũ này dâng nhanh, vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang rất quan trọng bởi lực lượng này có phương tiện và kỹ năng. Xã có 3 thôn chìm sâu trong nước, người dân được di chuyển đến nơi an toàn nhưng đồ đạc thì không di chuyển được. Hàng trăm chiến sĩ công an, quân đội đã hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, trong đó có 30 ô-tô bị ngập nước, đến địa điểm khô ráo.

Tính kế di dời đến nơi ở mới

Từ ngày 11/6, mưa đã ngớt, các điểm ngập úng nước rút dần, các địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, dọn dẹp bùn đất sau lũ, thu hoạch hoa màu, kiểm đếm thiệt hại để báo cáo tỉnh hỗ trợ theo quy định nhà nước. Tại thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, hàng trăm dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên hỗ trợ nhân dân dọn nhà, thu gom bùn đất trên các tuyến đường. Cán bộ Trạm Y tế đến tận nhà dân để cấp phát thuốc Cloramin B và hướng dẫn người dân dùng thuốc khử khuẩn nguồn nước. Trung đoàn 877, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đi hỗ trợ các trường học trên địa bàn phường Ngọc Hà; các hộ kinh doanh dọn dẹp nhà cửa, lớp học, đồ dùng học tập.

Tại Mèo Vạc, tuyến đường từ Quốc lộ 4C xuống lòng hồ thủy điện Nho Quế đã được tu sửa và thông xe. Chính quyền đã huy động dân quân, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng hỗ trợ các hộ dân bị đất đá sạt lở vào nhà; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để di chuyển người dân đến địa điểm an toàn. Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Thôn Khuôi Roài, xã Tất Ngà có 25 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Sáng 11/6, chính quyền đã huy động lực lượng xuống thôn hỗ trợ các hộ di chuyển tài sản đến địa điểm ở tạm. Huyện cũng báo cáo tỉnh cho chủ trương để thực hiện dự án di dời 25 hộ dân đến địa điểm mới sinh sống”.

Với hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, ngành giao thông đã phối hợp địa phương khắc phục, huy động tối đa máy móc, nhân lực hót dọn các điểm sạt lở, bùn đất tràn mặt đường, khơi thông hệ thống thoát nước. Đến nay, tất cả các tuyến đường bị sạt lở đã thông xe, bảo đảm đi lại an toàn cho người và phương tiện.

Trận mưa lũ này, toàn tỉnh có 3 người chết do mưa lũ; hơn 1.400 nhà dân bị ngập úng, bị sập, bị đất đá sạt vào nhà; diện tích lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại là 287 ha; Quốc lộ 34, Quốc lộ 4C và nhiều đường liên huyện, liên xã có hàng trăm điểm sạt lở với khối lượng đất đá hàng chục nghìn m3; nhiều công trình cầu, cống bị hư hỏng. Ước thiệt hại là hơn 61 tỷ đồng.