Huyền thoại đại hào phú Huyện Sĩ

Từ cuối thế kỷ 19 đến nay trong dân gian Nam bộ nói chung, Sài Gòn riêng vẫn truyền nhau câu nói về “tứ đại hào phú ” đó là “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Đây là bốn bậc đại gia không chỉ giàu có nhất Việt Nam mà còn của cả xứ Đông Dương...

Trong đó danh tiếng đại gia Lê Nhứt Sĩ (Lê Phát Đạt) hay còn gọi là Huyện Sĩ (ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu) luôn được xếp thứ nhất và được xem như một huyền thoại về sự nghiệp kinh doanh bất động sản thời ấy.

Đổi tên hy vọng đổi đời

Theo nhiều nguồn tư liệu, ông Lê Phát Đạt tức Huyện Sĩ tên thật là Lê Nhứt Sĩ (Lê Nhất Sĩ), sinh năm 1841, tại Cầu Kho (Sài Gòn), nhưng thời nhỏ sống ở quê gốc tại Tân An (Long An), trong một gia đình theo đạo Công giáo, có tên Thánh là Philippe. Do gia đình nghèo gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên Lê Nhứt Sĩ phải sớm bươn chải phụ giúp gia đình kiếm sống bằng nghề lái đò chở lương thực thuê cho người dân ở vùng Tân An (Long An).

Thấy Lê Nhứt Sĩ có tư chất thông minh lanh lợi, nhưng vì gia cảnh nghèo nên vị linh mục người Pháp tên là Mou lin đã nhận đỡ đầu và nuôi cho ăn học. Nhờ sự đỡ đầu của linh mục Mou lin mà Lê Nhứt Sĩ được theo học ở trường dòng và học hết bậc tiểu học ở Sài Gòn. Với thành tích học tập khá khiến linh mục Mou lin rất hài lòng, ông đã gửi Lê Nhứt Sĩ sang học tiếp tại trường dòng Pen nang ở bên Malaysia. Đây là một trường dòng nổi tiếng, chuyên đào tạo những tu sĩ của Công giáo cho toàn cõi Đông Dương và các nước vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

aria-grand-700x300px.jpg

Khi đầu tư vào ruộng đất trồng lúa đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, ông Lê Phát Đạt nhận thấy xu hướng đô thị hóa ở Sài Gòn sẽ được mở rộng quy hoạch và tất yếu cũng kéo theo sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Vốn là người thức thời, nhạy bén, ông Lê Phát Đạt đã dành nguồn lợi nhuận từ bán lúa để đầu tư mua hàng loạt khu đất rộng lớn mênh mông sát với thành phố Sài Gòn. Trong đó có vùng đất Gò Vấp, thời ấy tuy gần Sài Gòn, nhưng vẫn là một vùng đất hoang, dân cư thưa thớt, giá đất rất rẻ.

Đúng như dự đoán và sự tính toán của ông, chỉ một thời gian sau, thành phố Sài Gòn bắt đầu tăng tốc đô thị hóa, với cả một vùng đất mênh mông ở Gò Vấp đang thuộc quyền sở hữu của mình ông Lê Phát Đạt nghiễm nhiên trở thành một đại gia bất động sản lớn nhất. Khi đất tăng giá, ông Lê Phát Đạt phân lô một phần để cho các chủ doanh nghiệp tư nhân thuê làm nhà máy, xí nghiệp, kho xưởng và một phần xây cất nhà cho thuê. Ngoài vùng đất mênh mông ở Gò Vấp, ông Lê Phát Đạt còn mua được rất nhiều mảnh ở những vị trí đất đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn. Trong đó có mảnh đất rộng hơn 1 ha (hec ta) hai mặt tiền đường Fèe Loui và Fèe Guileraut (nay là đường Nguyễn Trãi và đường Tôn Thất Tùng) mà ông dành để xây dựng nhà thờ Chợ Đũi (hay còn gọi là nhà thờ Huyện Sĩ).

Cho tới nay không có tư liệu nào ghi rõ về số lượng nhà phố mà ông xây cất, nhưng người ta ước tính chỉ riêng nhà cho thuê, ông Lê Phát Đạt đã có tới hàng ngàn căn. Ông Lê Phát Đạt trở thành một đại hào phú, một doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (từ ruộng đất đến nhà phố) lớn nhất, nổi tiếng nhất thời ấy.

Cần kiệm và lưu danh cùng những công trình kiến trúc nổi tiếng

Dù đã là một đại gia thành đạt nhất, giàu nhất nắm trong tay khối tài sản kếch sù nhưng vợ chồng Lê Phát Đạt (từ đây gọi là Huyện Sĩ) không bao giờ sống xa hoa hoang phí mà rất cần kiệm, không xây dinh thự quá to lớn, như nhiều phú hộ giàu xổi khác ở Nam Kỳ lục tỉnh thời ấy. Là một người có học thức và giàu lòng nhân ái, ông luôn ý thức được rằng sự giàu lên của mình cũng có sự mất mát, thiệt thòi của nhiều người khác. Chính vì thế ông treo trong nhà hai câu đối để tự răn mình cũng như đại gia đình noi theo mà sống: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”. Tạm dịch: “Trong gia đình phải chăm chỉ và tiết kiệm/ Xử thế với người ngoài phải hòa hoãn và nhẫn nhịn”.

Khi đã tột đỉnh giàu có, ông dành phần lớn gia sản của mình vào những chương trình khuyến nông nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Ông từng hiến đất đai và bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng những công trình kiến trúc nhằm phục vụ cho nhu cầu lợi ích của cộng đồng ở nhiều khu dân cư. Đặc biệt là những công trình kiến trúc tôn giáo (nhà thờ) được xây dựng công phu, uy nghi với vẻ đẹp cổ kính như Nhà thờ Hạnh Thông Tây, Nhà thờ Chí Hòa, Nhà thờ Chợ Đũi (Nhà thờ Huyện Sĩ)...Trong đó nổi bật nhất là công trình kiến trúc nhà thờ Huyện Sĩ, được ông hiến đất và chi ra một số tiền lớn bằng khoảng 1/7 khối gia sản của mình (tính theo thời giá lúc bấy giờ là khoảng trên trên 30 ngàn đồng bạc Đông Dương) để xây dựng. Khi công trình nhà thờ này đang trong quá trình chuẩn bị khởi công thì năm 1900, ông Huyện Sĩ đột ngột qua đời vào tuổi 59. Thực hiện ước nguyện của ông, những người con của ông tiếp tục cho khởi công xây dựng nhà thờ vào năm 1902 theo thiết kế của linh mục Bouttie (Pháp) đến năm 1905 thì được khánh thành. Đây là công trình kiến trúc nhà thờ mang đậm dấu ấn phong cách Gothic với chiều dài 40 m, rộng 18 m, chia làm 4 gian mặt tiền và các cột chính được ốp bằng đá garanite Biên Hòa (Đồng Nai). Nhà thờ tọa lạc trên khu đất đắc địa rộng hơn 1 ha với hai mặt tiền đường Fèe Loui và Fèe Guilleraut (nay là đường Nguyễn Trãi và đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP. HCM).

Huyền thoại đại hào phú Huyện Sĩ 2Tượng ông Huyện Sĩ trên phần mộ nằm hướng đầu về phía cung thánh trong Nhà thờ Huyện Sĩ

Năm 1920, khi người vợ của ông Huyện Sĩ là bà Huỳnh Thị Tài mất thì thi hài hai vợ chồng ông mới được đưa vào an táng trong một gian phòng ở phía sau cung thánh. Phần mộ của vợ chồng Huyện Sĩ nằm song song ở hai bên theo đúng quan niệm “nam tả, nữ hữu”, cách nhau một lối đi khoảng 2 m, mỗi ngôi mộ là một hộp vuông bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối cao khoảng 1 m, dài gần 3 m được chạm khắc trang trí hoa văn họa tiết rất công phu, tinh xảo. Trên nắp phần mộ là tượng toàn thân của ông bà Huyện Sĩ với kích thước bằng người thật, trong tư thế nằm đầu hướng về cung thánh. Hai pho tượng đều được tạc bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng nguyên khối và dính liền với phần mộ, với những đường nét mềm mại, tinh tế, sống động từ nét mặt đến trang phục, được đánh giá là tuyệt tác về kiến trúc và điều khắc. Ngoài hai pho tượng nằm an nghỉ, còn hai pho tượng chân dung ông bà Huyện Sỹ được đặt đối diện nhìn nhau, thần sắc tươi tỉnh. Hiện nay công trình kiến trúc Nhà thờ Huyện Sĩ được xếp hạng là một trong 8 nhà thờ đẹp nhất cổ kính nhất Sài Gòn (TP. HCM), luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng.

Danh gia vọng tộc

Sinh thời ông Huyện Sĩ là người rất quan tâm coi trọng việc giáo dục con cái theo truyền thống gia phong, nhất là đối với con đường học vấn. Chính vì thế tất cả những người con (cả trai và gái) của ông đều được sang Pháp du học và sau khi trở về nước được giao ruộng đất, nhà phố để kinh doanh tiếp bước truyền thống gia đình. Được học hành đến nơi đến chốn nên tất cả những người con của ông Huyện Sĩ rất có ý thức và đam mê công việc kinh doanh phát huy tiềm lực kinh tế của một danh gia vọng tộc.

Người con trai trưởng tên là Denis Lê Phát An (1868 – 1964) sau khi du học ở Pháp về được ông Huyện Sĩ tin tưởng giao cho cả vùng đất trù phú rộng lớn ở Hạnh Thông (Gò Vấp). Không phụ lòng cha mình, ngay khi ở Pháp trở về Denis Lê Phát An và một số em ruột (trong đó có Lê Thị Bính vợ của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, tức cha mẹ ruột của Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan) lên Đà Lạt mở trang trại trồng trà, cà phê làm ăn rất phát đạt. Niềm đam mê và tầm nhìn cùng tài tổ chức sản xuất, kinh doanh của Denis Lê Phát đã góp phần làm cho cơ ngơi và gia sản của gia đình ngày càng phát triển thịnh vượng. Những năm 30 – 40 của thế kỷ 20, Denis Lê Phát cũng trở thành một hào phú nổi tiếng ở Nam Kỳ lục tỉnh, được Hoàng đế Bảo Đại (cháu rể) phong tước An Định Vương, tước hiệu cao quý nhất của triều đình thời ấy (trước đây chỉ dành phong cho những người thuộc tầng lớp Hoàng tộc).

Những người con còn lại như Lê Thị Bính, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều được chia đất ai và trở thành các đại điền chủ nhiều ruộng đất ở Long An, Gò Công (Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. Người con gái thứ của ông Huyện Sỹ là Lê Thị Bính đã kết hôn với ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ người Gò Công. Năm 1914, bà Lê Thị Bính hạ sinh một người con gái, đặt tên là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, đến năm 12 tuổi gia đình cho sang Pháp học. Năm 1932 sau khi tốt nghiệp tú tài, Marie – Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan về nước. Một thời gian sau, khi lên trang trại trà và cà phê của ông Denis Lê Phát An chơi, trong một buổi dạ tiệc, Marie – Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan đã gặp vua Bảo Đại. Cuộc gặp gỡ như một định mệnh đã dẫn đến tình cảm phát sinh giữa hai người và rồi đi đến cuộc hôn nhân cũng đầy trắc trở vì khác tôn giáo.

Huyền thoại đại hào phú Huyện Sĩ 3Nhà thờ Huyện Sĩ hiện nay được xếp hạng là một trong những công trình kiến trúc nhà thờ cổ kính đẹp nhất Sài Gòn, do đại hào phú Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) hiến đất và bỏ tiền ra xây dựng

Theo cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam”, vua Bảo Đại kể lại rằng đây là cuộc hôn nhân sóng gió vì ông bị triều thần phản đối, lý do Bảo Đại theo đạo Phật còn Marie – Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan theo đạo Công giáo lại mang quốc tịch Pháp. Khi Bảo Đại cầu hôn, gia đình ông Nguyễn Hữu Hào đưa ra những điều kiện như Marie - Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu, ngoài ra còn phải được tòa thánh cho phép đặc biệt, ai giữ đạo nấy nhưng con cái sinh ra đều chịu phép rửa tội và giữ đạo giáo luật.

Vua Bảo Đại chấp nhận. Ngay sau hôn lễ, Marie – Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan đã được tấn phong Hoàng hậu với tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một biệt lệ đối với các chánh cung trong triều Nguyễn vì cả mười hai đời vua nhà Nguyễn trước đó, các bà chánh cung chỉ được phong tước Hoàng quý phi và đến khi qua đời mới được truy phong Hoàng hậu. Tương truyền ông bà Nguyễn Hữu Hào đã tặng của hồi môn cho con gái về nhà chồng là một triệu đồng bạc Đông Dương, tương đương 20.000 lượng vàng, một khoản tiền vô cùng lớn vào thời bấy giờ.