Tổng giám đốc MB là ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB và có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) vừa công bố quyết nghị của HĐQT về việc bổ nhiệm ông Phạm Như Ánh giữ chức vụ Tổng giám đốc của MB, thời hạn bổ nhiệm tối đa 5 năm.
Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, tốt nghiệp Thạc sỹ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Clark University, Mỹ. Ông thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc chi nhánh, Giám đốc khối, phụ trách kinh doanh khu vực phía Nam đến thành viên ban điều hành.
Ông Phạm Như Ánh trở thành tân Tổng giám đốc MB kể từ ngày 18/05/2023
Giai đoạn 2007-2017, với vai trò là Giám đốc một số chi nhánh, ông Phạm Như Ánh đã dẫn dắt các chi nhánh dẫn đầu khu vực miền Trung và miền Nam. Tháng 04/2017, ông Phạm Như Ánh được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối khách hàng lớn (CIB).
Tới tháng 08/2020, ông Phạm Như Ánh được bổ nhiệm là thành viên ban điều hành, nhận phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại khu vực phía Nam và khối CIB của MB. Các đơn vị này đều tăng trưởng vượt bậc và an toàn trong 3 năm qua.
Tháng 04/2023, ông Phạm Như Ánh được giao nhiệm vụ giữ chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc thay cho ông Lưu Trung Thái (hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT MB)
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, thu nhập lãi thuần là điểm sáng duy nhất của MB với mức tăng trưởng 22%, đạt 10.227 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần của MB tăng trưởng tích cực dù tín dụng chỉ tăng hơn 4,3% là do ngân hàng có chi phí vốn rẻ, cơ cấu huy động vốn tốt. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh còn lại của MB đều đi lùi, trong đó giảm mạnh nhất là mảng dịch vụ và kinh doanh chứng khoán.
Trong khi kết quả kinh doanh quý I/2023 không có sự đột phá thì MB lại đang phải đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/03/2023, tỷ lệ nợ xấu của MB là 1,8% sới 1,1% cuối năm 2022. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ quá hạn của MB tăng mạnh lên 5,2% so với 2,8% cuối năm ngoái.
Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của MB
Tổng tài sản MB đạt hơn 760.000 tỷ đồng, tăng 4,4%; cho vay khách hàng tăng 4,3%; tiền gửi khác hàng tăng 2%.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, ban lãnh đạo MB dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng.
Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng ngân hàng mẹ dưới 1,5%.
Năm 2023, bên cạnh việc triển khai chiến lược phát triển theo lộ trình, trong giai đoạn tới, ban lãnh đạo MB cho biết ưu tiên tìm kiếm những không gian tăng trưởng mới, cơ hội hợp tác mới.
Lãnh đạo MB, VPBank, TPBank lên tiếng về khoản vay của Novaland Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: ngân hàngMBPhạm Như Ánh