Những sắc màu yêu thương vùng cao

Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” của võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường và họa sĩ Trần Nguyên Thế diễn ra từ ngày 26/5 đến 4/6 tại tầng 1, Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội, là sự gặp gỡ của những cung bậc cảm xúc về văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc.

1/Võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường đang công tác tại Phòng Văn hóa huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Họa sĩ Trần Nguyên Thế đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 40 tác phẩm sơn dầu và acrylic, các họa sĩ mong giới thiệu tới công chúng những chân dung về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc vùng núi phía bắc thuộc tỉnh Hà Giang và tỉnh Bắc Giang.

Võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường đã gửi tới cho người xem 20 tác phẩm acrylic có nội dung chính về phong cảnh miền núi, phong tục tập quán và chân dung phụ nữ dân tộc Dao ở huyện Sơn Động… Bức lớn nhất có khổ 100x150cm, bức nhỏ nhất có khổ 60x60cm, được sáng tác từ năm 2021 đến năm 2024. Gắn bó nhiều năm với cuộc sống vùng cao Sơn Động, anh hiểu sự khó khăn của những học sinh vùng sâu, vùng xa thành thị. Để giúp các em có năng khiếu và niềm đam mê mỹ thuật thi vào những ngành liên quan như kiến trúc, đồ họa, thiết kế... anh đã mở nhiều lớp luyện thi mỹ thuật miễn phí cho các học sinh ở thị trấn An Châu, huyện Sơn Động. Bên cạnh lớp dạy vẽ, họa sĩ Hướng Tâm Đường còn mở lớp võ cổ truyền cho học trò trong vùng để rèn luyện thể lực và tâm trí. Năm 2009-2012, anh đã đưa học sinh trong lớp luyện võ đại diện cho huyện đi dự thi giải võ thuật mở rộng ở Hà Nội và đạt 2 Huy chương đồng, 1 Huy chương bạc.

Văn hóa dân tộc ở vùng cao Sơn Động ghi dấu ấn trong các tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật này như “Nhà trên núi”, “Nắng chiều trên bản”... Người thưởng lãm có thể hòa tâm hồn mình theo “Kèn gọi bạn” hay trong 4 tác phẩm sắc mầu rực rỡ hạnh phúc của “Đám cưới người Dao”. Chân dung phụ nữ trong trang phục dân tộc Dao chiếm số đông trong triển lãm lần này như “Thiếu phụ Dao”, “Phút thảnh thơi”, “Giấc mơ trên lưng”, “Phút trầm tư”, “Chuyện đầu năm”… Mỗi tác phẩm mang một sắc thái riêng đã truyền tải tới người xem cảm xúc tràn đầy năng lượng của người vùng cao.

Những sắc màu yêu thương vùng cao ảnh 1

Tác phẩm của họa sĩ TRẦN NGUYÊN THẾ.

2/Khác với sắc mầu rực rỡ trong tác phẩm của họa sĩ Hướng Tâm Đường, tranh của họa sĩ Trần Nguyên Thế chủ yếu thể hiện trên chất liệu sơn dầu và mang nhiều gam mầu lạnh về vùng đá núi Hà Giang. Dường như các tác phẩm luôn có cái bảng lảng của ánh sắc sương chiều miền núi. Những kỷ niệm của anh về quãng thời gian giảng dạy ở ngôi trường thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hiện lên trong 20 tác phẩm sơn dầu của anh như: “Đường cày trên nương đá”, “Bên khung dệt”, “Tia nắng ban mai”, “Làng Lô Lô Chải 1”, “Thiếu nữ dân tộc Lô Lô”, “Cô gái Dao ở Thượng Lâm”… Vẻ đẹp vùng cao trong tranh của Trần Nguyên Thế hiện lên trong khoảnh khắc lao động, sắc mầu trang phục, ánh mắt ngây thơ, mong chờ của cô gái đợi người yêu... Tất cả các cung bậc cảm xúc về vùng cao của Trần Nguyên Thế hiện lên qua từng đường bút, sắc mầu tinh tế mang đến cho người xem sự mãn nhãn về vẻ đẹp sâu thẳm của bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao.

Không gian triển lãm với sắc thái mầu đối lập của hai họa sĩ đã bổ trợ, tạo nên sự cân bằng và sinh động mang đến nét đẹp huyền diệu ở mỗi chân dung đồng bào dân tộc thiểu số. “Câu chuyện vùng cao” mong muốn giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật hội họa sự thấu cảm cùng tác giả về bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp còn được gìn giữ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng là tấm lòng tri ân mà hai họa sĩ gửi tới đồng bào vùng cao yêu thương.