Chỉ số tiêu dùng của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 40 năm

Dữ liệu cho thấy chỉ số tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay do các công ty tiếp tục chuyển mức gia tăng chi phí tới người tiêu dùng.

chỉ số tiêu dùng

Chỉ số tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đạt mức cao mới sau 4 thập kỷ do các công ty tiếp tục chuyển chi phí gia tăng cho tới người tiêu dùng, một dấu hiệu cho thấy giá cả tăng vọt đang lan rộng và có thể khiến ngân hàng trung ương chịu áp lực giảm bớt các gói kích thích lớn.

Nhiều tháng trước khi có sự điều chỉnh đối với chính sách kiểm soát lợi suất, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã thảo luận về tác động thị trường của việc thoát khỏi lãi suất cực thấp trong tương lai, biên bản cuộc họp tháng 10 cho thấy.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi nhiều nhà bán lẻ lên kế hoạch tăng giá thực phẩm vào năm tới, thì kịch bản lạm phát và thời điểm thực hiện điều chỉnh chính sách của BOJ đều bị xáo trộn bởi nguy cơ suy thoái toàn cầu và sự không chắc chắn về tốc độ tăng lương.

Ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể xấu đi trong nửa đầu năm tới, khiến BOJ khó thực hiện các bước thắt chặt tiền tệ.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Nhật Bản, loại trừ thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí năng lượng, đã tăng 3,7% trong tháng 11 so với một năm trước đó, phù hợp với dự báo của thị trường và tăng từ mức tăng 3,6% trong tháng 10.

Mức tăng cao nhất trong 40 năm

Đây là mức tăng lớn nhất kể từ mức 4% vào tháng 12/1981, khi lạm phát vẫn còn cao do tác động của cú sốc dầu mỏ năm 1979 và nền kinh tế đang bùng nổ.

Dữ liệu cho thấy ngoài hóa đơn tiện ích, giá cả nhiều loại hàng hóa từ gà rán, điện thoại thông minh đến máy điều hòa đều tăng, trong một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát ngày càng cao.

Trong một báo cáo của công ty nghiên cứu Teikoku Data Bank cho thấy, các công ty dự kiến sẽ tăng giá đối với 7.152 sản phẩm thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm nay. “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến đợt tăng giá ồ ạt vào năm tới và có thể dữ dội hơn nữa khi các công ty phải đối mặt với chi phí phân phối và lao động tăng cao”.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng chỉ số tiêu dùng cơ bản sẽ chậm lại gần mục tiêu 2% của BOJ vào năm tới, do tác động cơ bản của việc giá nhiên liệu giảm cùng các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm kiềm chế giá điện sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2023.

Sự gia tăng chỉ số cốt lõi, mà BOJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo lạm phát do nhu cầu, cho thấy áp lực lạm phát đang hình thành như thế nào ở Nhật Bản hiện nay và tiếp tục kéo dài sang năm tới.

BOJ đã khiến thị trường choáng váng vào tuần trước khi điều chỉnh kiểm soát lợi suất và cho phép lãi suất dài hạn tăng cao hơn, một động thái mà các nhà đầu tư trên thị trường coi là khúc dạo đầu cho việc rút lại chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của mình.

Dữ liệu CPI có thể sẽ là một trong những yếu tố chính mà BOJ sẽ xem xét kỹ lưỡng khi đưa ra dự báo lạm phát hàng quý mới tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 18/1.

Tin liên quan