Khoảng 125 triệu người đang sống nhờ vào hoạt động sản xuất cà phê nhưng nhiệt độ gia tăng và khí hậu biến đổi đang khiến các trang trại lâm nguy
Bởi cà phê vốn đặc biệt nhạy với thay đổi nhiệt độ, dẫn tới rủi ro giảm sản lượng thu hoạch và chất lượng hạt cà phê. Đồng thời, với tình trạng cà phê liên quan tới phá rừng và sự chuyển dịch ở các vùng phù hợp để trồng trọt, các trang trại cà phê đang gặp rủi ro.
GỐC RỄ CÂU CHUYỆN
Những người mê cà phê trên toàn cầu tiêu thụ hơn 400 tỷ ly cà phê mỗi ngày, ở nhà hoặc tại các quán cà phê nổi tiếng. Gần 10 tỷ tấn cà phê được sản xuất mỗi năm, chủ yếu tập trung ở những khu vực được biết đến dưới cái tên "Vành đai cà phê". Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ethiopia là năm nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chiếm hơn 70% tổng sản lượng toàn cầu.
Các trang trại quy mô nhỏ cung cấp khoảng 80% cà phê cho cả thế giới và khoảng 125 triệu người sống nhờ vào hoạt động sản xuất cà phê. Tuy nhiên, thức uống phổ biến này lại đang lâm nguy.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC) đã dự báo khả năng sụt giảm diện tích những khu vực phù hợp để canh tác cà phê tới năm 2050. Những công bố này được củng cố thêm bởi một số nghiên cứu cho thấy nhiệt độ gia tăng kích thích những loại sâu bệnh có hại cho cây cà phê.
Nhiệt độ tăng cao và những thay đổi lượng mưa phân bổ gây ra một vài nguy cơ đối với việc canh tác cà phê. Thứ nhất, cây cà phê vốn nhạy với thay đổi về nhiệt độ và các đợt nắng nóng kéo dài có thể hạn chế tăng trưởng và năng suất của cây cà phê.
Arabica và Robusta là hai loại cà phê chính được canh tác trên toàn cầu. Còn cà phê Robusta ít nhạy cảm với nhiệt độ hơn (nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán), nhiệt độ lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và trưởng thành của cà phê Arabica. Cây cà phê Arabica sinh trưởng trong khoảng nhiệt độ từ 18-21°C và có thể bị tổn hại nếu phơi nắng liên tục dưới mức nhiệt trên 30°C, dẫn đến sụt giảm sản lượng thu hoạch và ảnh hưởng chất lượng hạt cà phê.
Nhiệt độ ở một vài nước dẫn đầu về sản xuất cà phê đã tăng lên. Ví dụ như Brazil, vốn là nước đứng đầu về sản xuất cà phê Arabica, đã chứng kiến nhiệt độ trung bình năm tăng 1,16°C trong giai đoạn 1971-2021.
Một nghiên cứu gần đây, đăng trên tạp chí PLOS Climate, cho thấy các điều kiện không thuận lợi gây giảm sản lượng thu hoạch cà phê đã gia tăng kể từ năm 1980. Thập kỷ trước được coi là nặng nề nhất khi có tới năm năm trong tổng số sáu năm được coi là nguy hại nhất kể từ 2010.
Thứ hai, IPCC dự báo diện tích trồng cà phê Trung Mỹ tới năm 2050 sẽ giảm đi 38-89% do thay đổi nhiệt độ và phân bổ lượng mưa cũng như độ cao tối thiểu để canh tác cà phê tăng từ 2.000 feet trên mực nước biển lên 3.300 feet.
Một Nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS One tính toán sự thay đổi của điều kiện trồng trọt cho ba loại lương thực phổ biến – cà phê, hạt điều và bơ – tới năm 2050 và phát hiện cà phê bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng khu vực thích hợp nhất để canh tác cà phê sẽ giảm tới 50%.
Thứ ba, nhiệt độ ấm lên tạo ra môi trường thuận lợi cho sâu bệnh có thể gây tổn hại đến cây cà phê. Bệnh gỉ sắt gây đốm lá cà phê, một loại bệnh do nấm, đã gây hại nghiêm trọng đến khu vực Trung và Nam Mỹ. Đại dịch gỉ sắt ở Colombia, giai đoạn 2008-2011, khiến sản lượng giảm bình quân 31% so với năm 2007.
THÊM LOẠT KHÓ KHĂN
Trong khi nhiệt độ tăng lên được coi là yếu tố gây khó khăn cho sản xuất cà phê, hoạt động canh tác cà phê lại liên quan tới phá rừng và khiến trái đất càng nóng lên thêm. Người ta phải bỏ đi nhiều cánh rừng nhiệt đới rộng lớn để đáp ứng nhu cầu cà phê ngày càng tăng và đảm bảo nhiệt độ tốt nhất cho cà phê sinh trưởng.
Theo World Resource Institute (WRI), gần 2 triệu héc-ta rừng bị thay thế bằng trang trại cà phê trong giai đoạn 2001-2015. Có hai phương pháp canh tác cà phê: trồng dưới bóng râm (hệ thống nông lâm kết hợp) vốn bền vững với môi trường và trồng dưới ánh mặt trời đòi hỏi phải phá bỏ rừng và gây ra tình trạng đất mất dinh dưỡng.
Ngành cà phê ở nhiều quốc gia đã chuyển dịch sang sản xuất dưới ánh mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao. Sự dịch chuyển trong phương pháp canh tác này chủ yếu do yếu tố tài chính và suy nghĩ phổ thông rằng ánh mặt trời làm hạn chế nhiễm nấm bệnh.
Thêm nữa, các giống cây thuộc họ đậu cung cấp bóng mát được phát hiện là nguyên nhân gây cạnh tranh nguồn đất và nước khi xảy ra hạn hán nặng nề, dẫn đến sự suy tàn của các trang trại cà phê.
Mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt, tình trạng mất rừng do các trang trại cà phê không chỉ làm giảm lưu trữ các-bon mà còn lấy đi môi trường sống thiết yếu của một số loài vật, dẫn tới mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu càng trầm trọng thêm.
Không những vậy, sản xuất cà phê cũng đòi hỏi khối lượng nước lớn trong suốt chu trình, ảnh hưởng các cộng đồng dân cư và hệ sinh thái địa phương ở những vùng có khó khăn về nước.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), cần tới 140 lít nước để trồng đủ cà phê cho một ly cà phê. Từ rang xay tới pha chế, chuỗi cung ứng cà phê "ngốn" năng lượng, làm gia tăng lượng phát thải các-bon của ngành này.
Để vượt qua những vấn đề căng thẳng này, nhiều biện pháp thích ứng và giải pháp bền vững đang được áp dụng. Ví dụ, nông nghiệp tái tạo thông qua trồng xen vụ giúp nâng cao chất lượng và đa dạng sinh học của đất giúp ích cho sản lượng thu hoạch và chất lượng cà phê.
Hướng đi này cũng hỗ trợ đảm bảo lâu dài cho người nông dân, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu nhất, bằng cách đa dạng hóa sản phẩm đầu ra và nguồn thu nhập.
Một nghiên cứu phân tích việc trồng xen vụ hạt mắc ca và cà phê, được tiến hành trong bảy năm, phát hiện sản lượng thu hoạch cà phê tăng 10% trong điều kiện tưới phun mưa và lợi nhuận đạt mức cao nhất sau năm năm đầu thu hoạch trong điều kiện canh tác cà phê áp dụng chế độ tưới nhỏ giọt. Nông nghiệp tái tạo cũng giúp giảm lượng nước ngành cà phê tiêu thụ nhờ tăng khả năng thẩm thấu và giữ nước cho đất.
Ứng dụng nhiều biến thể giống cà phê, như thế hệ F1 của Arabica lai và Coffea stenophylla có khả năng chống chịu tốt hơn với nhiệt độ cao, hạn hán và dịch bệnh, cũng là một chiến lược thích ứng đầy hứa hẹn.
Những biến thể như Liberica và Excelsa cũng mang đến cơ hội tạo ra giống cà phê mang lại lợi nhuận có thể trồng được ở vùng đất thấp hơn và trong điều kiện ấm hơn so với Arabica, những đặc tính cho thấy khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn so với Robusta.
PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG GẶP RẮC RỐI
Nhu cầu đòi hỏi sự minh bạch trong các ngành hàng tiêu dùng đang gia tăng, bao gồm cả món cà phê chúng ta uống mỗi ngày. Áp lực từ các nhà chức trách, nhà đầu tư, nhà bán lẻ và người tiêu dùng đang thúc đẩy nhu cầu truy xuất nguồn gốc rõ ràng hơn trong ngành cà phê, thôi thúc bởi những quan ngại về môi trường lẫn xã hội.
Xét những tác động lên môi trường của các trang trại cà phê nêu trên, đo lường chuỗi cung ứng mang đến sự minh bạch hơn và cho phép chúng ta thu thập những chỉ số liên quan đến ESG như lượng phát thải, tiêu thụ nước và giảm diện tích rừng. Với những tiến bộ trong quy định quản lý như Luật chống phá rừng của EU, khả năng thu thập thông tin này trên toàn chuỗi cung ứng là hoàn toàn cần thiết.
Nhìn vào điều kiện làm việc của công nhân trên toàn chuỗi cung ứng, chúng tôi tin rằng áp lực do nắng nóng đang là vấn đề ngày càng đáng quan ngại và nông nghiệp là ngành đặc biệt bị ảnh hưởng.
Nam Mỹ đã chứng kiến mức sụt giảm giờ làm tăng gấp đôi kể từ năm 1995 bởi áp lực do nắng nóng, trong đó có những nước sản xuất cà phê trọng điểm. Tình trạng này là một rủi ro về an toàn và sức khỏe lao động đối với công nhân trong ngành cà phê và là một nguy cơ đối với sản xuất cà phê toàn cầu nếu không có các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Công nghệ đóng vai trò nhất định trong cải thiện sự minh bạch và ngày càng đơn giản hóa các chuỗi cung ứng phức tạp và linh động.
Trong báo cáo chuỗi cung ứng và bán lẻ hồi tháng 1/2022, HSBC đã nhận diện những công nghệ mang tính cách mạng chính yếu quan trọng với sự chuyển dịch sang chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc: phân tích thành phần, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, máy bay không người lái và thực tế ảo.
Nhiều công nghệ trong số đó có thể ứng dụng trong ngành lương thực và đặc biệt là cà phê. Chuỗi khối được kỳ vọng sẽ hữu ích trong truy xuất nguồn gốc cà phê – một cơ sở dữ liệu phân tán cho phép lưu trữ, rất quan trọng trong theo dõi sự di chuyển của cà phê trong chuỗi cung ứng từ nông dân tới người rang xay tới nhà bán lẻ.
Dữ liệu bên trong công nghệ chuỗi khối không thể bị can thiệp, đồng nghĩa có thể dùng cho các mục đích pháp lý; trao cho các bên liên quan khả năng chứng thực sản phẩm, cung cấp các chỉ số đảm bảo chất lượng và chỉ số ESG cũng như đảm bảo nông dân có được mức giá công bằng. Thách thức vẫn còn tồn tại với số lượng lớn các trang trại nhỏ, có khoảng cách về hiểu biết công nghệ và số hóa hạn chế.
Bên cạnh các yêu cầu an toàn thực phẩm trong khu vực, thị trường cà phê cũng đang ngày càng chứng kiến sự phát triển các tiêu chuẩn bền vững. Trong Liên minh châu Âu, trong số các yêu cầu bắt buộc bao gồm an toàn thực phẩm/bao bì, thuốc bảo vệ thực vật và mầm bệnh, cũng như các chứng nhận bền vững bổ sung. Đó phải là chứng nhận do bên thứ ba giám định và nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội – các chứng nhận phổ biến bao gồm Fairtrade, Rainforest Alliance và Fair for Life.
Chứng nhận Fairtrade hướng đến mục đích tạo ra tác động tích cực lên các nước sản xuất và công nhân trên toàn cầu trong một loạt lĩnh vực, trong đó có cà phê. Chứng nhận Fairtrade Minimum Price cung cấp sự bảo vệ trong bối cảnh thị trường biến động thông qua mức giá tối thiểu cố định được trả cho sản phẩm và Fairtrade Premium cung cấp nguồn vốn bổ sung cho nông dân và công nhân đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế và xã hội. Hiện tại, cà phê đạt chứng nhận Fairtrade chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch cà phê ở Vương quốc Anh.
LỰA CHỌN CÀ PHÊ CỦA BẠN CÓ THỰC SỰ Ý NGHĨA
Ở góc độ cá nhân, các quyết định liên quan đến tiêu dùng ảnh hưởng đến lượng phát thải, rác thải và ô nhiễm. Bên cạnh những ảnh hưởng môi trường, sự khác biệt giữa các loại cà phê, Arabica hay Robusta, và quyết định của người tiêu dùng chọn mua cà phê bột nguyên chất hay cà phê hòa tan cũng để lại hệ quả khác nhau.
Các nghiên cứu cho thấy khi xem xét vòng đời của cả cà phê bột và hòa tan, cà phê hòa tan để lại hệ quả lớn hơn lên môi trường so với cà phê bột vì tiêu thụ nhiều năng lượng hơn 7-11 lần. Trên toàn cầu, cà phê hòa tan chiếm hơn 34% lượng bán lẻ cà phê rang xay.
Cà phê bột nén chiếm 16% doanh thu cà phê của Vương quốc Anh (số liệu 2) và mặc dù loại cà phê này mang lại cho người tiêu dùng cơ hội tự pha chế cà phê tại nhà theo kiểu ngoài quán, tính bền vững trong sản phẩm này vẫn đang trong trong vòng nghi vấn.
Bên cạnh lượng phát thải từ khâu chuẩn bị, rác thải ra sau khi người tiêu dùng sử dụng hộp và viên nén tạo thành phát thải thứ cấp và góp phần chất đầy thêm các bãi tập kết rác.
HSBC đã quan sát các nhà bán lẻ chuyển sang dùng hộp nén nhôm và áp dụng chế độ tái chế cũng như hộp nén có thể phân hủy (như Grind Coffee) để giảm bớt rủi ro.
Ly cà phê dùng một lần cũng đem lại rủi ro về môi trường vì phần lớn ly không thể tái chế do có lớp bọc nhựa và vì thế cũng kết thúc ở bãi tập kết rác, chỉ tính riêng ở Vương quốc Anh, mỗi năm có tới 2,5 tỷ ly cà phê bị thải ra.
Mang tới cho người tiêu dùng những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường và đưa ra phần thưởng bằng tiền khi dùng ly tái sử dụng được chứng minh là những giải pháp hữu hiệu. Các nghiên cứu phát hiện rằng khoảng 93% người tiêu dùng sẵn sàng mang ly tái sử dụng nếu mức giảm giá vượt quá một giá trị nhất định (0,265 USD).
Nhu cầu tìm kiếm cà phê bền vững đã kéo theo những ý tưởng sáng tạo như cà phê sản xuất trong phòng thí nghiệm và năng lượng từ rác thải. Ứng dụng nông nghiệp tế bào vào cà phê mở ra cơ hội để chế tạo tế bào cà phê trong phòng thí nghiệm. Ứng dụng này sẽ rất hữu ích trong các sản phẩm mang hương vị cà phê.
Tuy nhiên, để ứng dụng này đi vào thói quen tiêu thụ cà phê chính thống vẫn còn là câu hỏi mang tính xã hội đối với người tiêu dùng. Thêm nữa, nếu tước đi nhu cầu khỏi các trang trại nhỏ ở các khu vực đang phát triển có thể ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Tận dụng rác thải từ cà phê bột là một lĩnh vực đầy hứa hẹn nhằm giảm thiểu rác thải ở các bãi tập kết. Kết hợp bã cà phê với polymer tạo ra vật liệu có thể dùng được trong ngành may mặc và ép bã cà phê thành khối có thể thay thế gỗ để đốt. Thêm nữa, các cơ hội cũng nảy nở trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sinh học và vật liệu xây dựng từ ly cà phê.
"Nhìn chung, nhu cầu cà phê toàn cầu có khả năng làm gia tăng gấp ba sản lượng cà phê cho tới năm 2050. Theo đó, cải thiện tính bền vững của ngành này sẽ là yếu tố quan trọng để hạn chế những tác động về xã hội và môi trường trên toàn chuỗi giá trị", các chuyên gia của HSBC đưa ra khuyến nghị.