Trung Quốc: Từ "kẻ theo đuôi" đến người dẫn đầu sản xuất xe điện

Làm thế nào Trung Quốc có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện – một thị trường béo bở nhất thế giới và từ lâu đã bị các thương hiệu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp độc đáo giữa chính sách công nghiệp, hoạt động bảo hộ và động lực cạnh tranh trong nước...

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Số lượng xe điện mà nước này sản xuất và bán ra trong vòng 2 năm qua tăng trưởng nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, thị trường ô tô chạy bằng năng lượng mới của nước này đã có sự bùng nổ trong năm 2022 với tổng sản lượng đạt 7.058 triệu chiếc, tăng 96,9% so với năm 2021. Doanh số bán ra đạt gần 7 triệu chiếc (bao gồm 5.365 triệu chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện và 1.518 triệu chiếc xe hybrid - xe lai giữa xăng và điện), tăng 93,4% so với năm 2021. Năm 2022 cũng là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Từ vị trí kẻ theo đuôi...

Cách đây 20 năm, Nikkei BP - nhà xuất bản lớn nhất Nhật Bản đã đưa một bài báo với tựa đề “Liệu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản có bị Trung Quốc vượt qua?”. Khi đó bài báo đánh giá rằng khoảng cách công nghệ ô tô giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang là 10 năm.

Ngay tại thời điểm đó, Trung Quốc nhận ra họ sẽ không bao giờ vượt qua các nhà sản xuất ô tô lâu đời của Mỹ, Đức và Nhật Bản về đổi mới động cơ đốt trong. Trong khi đó, nghiên cứu về xe hybrid lại đang được các quốc gia như Nhật Bản dẫn đầu. Có nghĩa là, Trung Quốc cũng "không có cửa" để cạnh tranh thực sự ở mảng xe hybrid.

Trung Quốc Xe điện của Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường

Điều này đã thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc định hướng thoát ly hẳn khỏi những công nghệ ô tô đã có và đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới: ô tô chạy hoàn toàn bằng pin.

Tại thời điểm này, xe điện mới chỉ là những thử nghiệm của các thương hiệu như General Motors hoặc Toyota nhưng đã bị ngừng sản xuất chỉ sau vài năm.

Đối với Trung Quốc, xe điện cũng có khả năng giải quyết một số vấn đề lớn khác, như hạn chế ô nhiễm không khí, giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và giúp tái thiết nền kinh tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó được xem như "một mũi tên trúng nhiều đích".

Dù được Chính phủ hỗ trợ rất nhiều, song doanh số bán xe điện vẫn yếu cho đến năm 2019, khi Trung Quốc chấp thuận cho Tesla mở một nhà máy tại Thượng Hải và họ được phép sở hữu toàn bộ nhà máy.

“Đây là chất xúc tác để thúc đẩy sự quan tâm và tăng mức độ cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc”, Tu Le, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu về ngành công nghiệp ôtô Sino Auto Insights cho biết.

trung-quoc-tu-vi-tri-ke-theo-duoi-den-nguoi-dan-dau-san-xuat-xe-dien_64a3b02ec4324.jpg Một mẫu xe điện của Geely (Trung Quốc) tại triển lãm ở Thượng Hải năm 2021

Trở lại năm 2011, tỷ phú Pony Ma, nhà sáng lập Tencent, giải thích rõ sự khác biệt của đặc tính thị trường Trung Quốc so với Mỹ.

“Tại Mỹ, khi bạn đưa ra một ý tưởng, bạn sẽ có vài tháng dễ thở trước khi đối thủ cạnh tranh nhảy vào. Nhờ đó, bạn có thời gian để chiếm lĩnh lượng lớn thị phần. Còn ở Trung Quốc, hàng trăm đối thủ cạnh tranh sẽ xuất hiện chỉ sau vài giờ. Ý tưởng không quan trọng ở Trung Quốc, thực thi mới quan trọng", ông chia sẻ trên một tạp chí công nghệ.

Thống lĩnh thị trường xe điện

Hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng tốc trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Chỉ riêng năm nay, Trung Quốc đã làm rung chuyển ngành công nghiệp ô tô những hai lần. Đầu tiên, xe điện "Made in China" khiến các đối thủ phương Tây "choáng váng" tại Triển lãm ô tô Thượng Hải về chất lẫn lượng. Thứ hai, đại lục soán ngôi Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong quý 1/2023.

Từ năm 2016, Trung Quốc đã là thị trường xe năng lượng mới lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sự thành công này có được không chỉ do các hãng xe, các nhà sản xuất phụ tùng gốc mà còn nhờ vào chiến lược về giao thông của chính phủ. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu cắt giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ phát thải carbon, lên hơn 65% trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030, xe điện lại càng được kỳ vọng trở thành động lực của ngành ô tô nước này và thế giới.

Sự can thiệp mạnh tay và đầy khích lệ của chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường xe ô tô điện Trung Quốc tăng trưởng. Ước tính giới chức nước này đã tung ra khoản đầu tư khổng lồ giá trị 50 tỷ USD để thúc đẩy các startup sản xuất dòng xe năng lượng mới, hỗ trợ người mua xe và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện rộng khắp.

Hiện toàn Trung Quốc có tổng cộng khoảng 1,88 triệu trạm sạc điện, gồm 1 triệu trạm sạc của tư nhân, 880.000 trạm sạc công cộng.

trung-quoc-tu-vi-tri-ke-theo-duoi-den-nguoi-dan-dau-san-xuat-xe-dien_64a3b0655fb6f.jpg Mẫu xe Model 3 của Tesla tại nhà máy ở Thượng Hải

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán các loại xe được gọi là năng lượng mới, bao gồm ô tô chạy bằng pin, dòng xe hybrid, hay ô tô chạy bằng pin nhiên liệu hydro ở Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 30% - 40% lên khoảng 1,8 triệu xe vào năm 2021. Đến năm 2025, Trung Quốc kỳ vọng doanh số bán ô tô điện hàng năm sẽ chiếm 25% tổng số xe bán ra trên thị trường, thay vì mức 5% như hiện nay.

Trung Quốc đang nắm trong tay công nghệ pin - chìa khóa thống trị lĩnh vực xe điện bởi pin là thành phần quan trọng nhất khi chiếm tới 40% giá thành xe điện. Trong một thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ pin lithium ferrous phosphate (LFP) thay vì loại pin niken mangan coban (NMC) phổ biến ở phương Tây. Công nghệ LFP có rất nhiều lợi ích và tính đến tháng 9.2022, nó chiếm tới 1/3 tổng số pin xe điện.

Cụ thể hơn, trong thập niên vừa qua, các công ty Trung Quốc đã ủng hộ pin lithium iron phosphate, được gọi là công nghệ LFP, trái ngược với pin lithium niken mangan coban (NMC) phổ biến hơn nhiều ở phương Tây.

Pin LFP an toàn hơn và rẻ hơn, nhưng ban đầu nó không phải là lựa chọn hàng đầu trên ô tô vì mật độ năng lượng thấp và hoạt động kém ở nhiệt độ thấp. Nhưng trong khi những công ty khác đang từ bỏ công nghệ LFP thì một số hãng sản xuất pin Trung Quốc như Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL), đã dành một thập kỷ nghiên cứu và tìm cách thu hẹp khoảng cách về mật độ năng lượng.

Ngày nay, ngành công nghiệp xe điện một lần nữa nhận ra lợi ích của pin LFP, loại pin này đã chiếm 1/3 tổng số pin xe điện tính đến tháng 9/2022.

Trung Quốc cũng có một lợi thế quan trọng nữa trong sản xuất pin, đó là kiểm soát rất nhiều nguyên liệu cần thiết. Mặc dù, Trung Quốc không nhất thiết phải có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất cho vật liệu pin, nhưng quốc gia này lại có phần lớn những nguyên liệu quan trọng như coban, niken sunfat, lithium hydroxit và than chì.

Đến nay, các quốc gia khác đã thực sự nhận ra tầm quan trọng của vật liệu pin và đang ký kết thỏa thuận với Chile và Australia để giành quyền kiểm soát các mỏ kim loại đất hiếm. Nhưng sự khởi đầu thuận lợi của Trung Quốc đã mang lại cho các công ty trong nước một chuỗi cung ứng ổn định lâu dài.

Pin xe điện do Trung Quốc sản xuất không chỉ có mức giá thấp mà còn có sẵn với số lượng lớn. Đó là một lợi thế dường như không thể bị suy yếu của Trung Quốc.

Ngoài châu Âu, xe điện Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latinh. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là nhà nhập khẩu xe điện lớn thứ năm của nước này.

Từ vị thế kẻ đi sau, Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thế giới về sản xuất xe điện, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của thế giới. Để có được ngày hôm nay, các hãng xe điện tại Trung Quốc đã nỗ lực biến Trung Quốc thành một gã khổng lồ về pin xe điện. Theo Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tư vấn ở London, Trung Quốc có năng lực sản xuất pin ô tô điện gấp 14 lần Mỹ. Hãng phân tích này cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ giữ vị trí dẫn đầu ngay cả sau khi có sự tăng cường của Mỹ.

Tin liên quan