Tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết chơi lớn, GSM sẽ "cách mạng" thị trường taxi?

Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility) với cách tiếp cận mới và những chính sách ưu đãi được dự báo sẽ nhanh chóng khuấy động thị trường taxi...

Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence về Thị trường taxi Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028 cho biết thị trường taxi Việt Nam đang bị phân tán với hơn 200 hãng khác nhau. Giai đoạn 2023 – 2028 được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt do các chiến lược tích cực, bao gồm mua lại, định giá, sáp nhập và phát triển sản phẩm mới.

Dù có hơn 200 hãng taxi, thị trường Việt Nam lại chưa có thương hiệu vận tải hành khách nào chuyên sử dụng phương tiện chạy điện. Đây có thể coi là vùng đất chưa khai phá cho hãng taxi điện của VinGroup.

Quyết tâm triển khai thần tốc

Ngày 6/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.

GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện.

Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Ngày 9/3, công ty GSM đã ra thông báo tìm đối tác tài xế taxi. Theo đó, khi đăng ký gia nhập cộng đồng đối tác GSM, các tài xế có cơ hội nhận nhiều quyền lợi làm việc khá hấp dẫn như lương cứng lên đến 11 triệu đồng, hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu tháng. Một số đãi ngộ khác gồm tham gia BHXH sau 2 tháng thử việc, được đào tạo về ngành dịch vụ vận tải và tư vấn lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.

thị trường taxiTrong 1 tháng, VinGroup đã cơ bản chuẩn bị xong để đưa thương hiệu Taxi Xanh SM ra thị trường

 

Ngày 15/3, GSM công bố bảng giá cho thuê xe không người lái đối với 3 mẫu ô tô điện bao gồm VinFast VF e34, VinFast VF5 và VinFast VF8 Eco. Cụ thể, giá xe với VinFast VF e34 giá cho thuê là 11 triệu đồng/tháng, giá thuê pin theo tháng là 3,16 triệu đồng, số KM tối đa là 2.500 km, đơn giá của 1 km phụ trội 1,265 đồng/km.

Với VinFast VF5 mức giá cho thuê đối với mẫu xe điện này là 9,5 triệu đồng/tháng, giá thuê pin theo tháng là 2,7 triệu đồng, số KM tối đa là 2.500 km, đơn giá của 1 km phụ trội 1,082 đồng/km.

Ngày 18/3, GSM đã bắt đầu mở lớp đào tạo hành trình di chuyển xanh dành cho tài xế taxi xanh.

Ngày 21/3, GSM đã bắt tay với Be để hỗ trợ đối tác trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ tại Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 27/3, đã có thông tin về mức giá cước taxi của thương hiệu Taxi Xanh SM. Theo đó, giá mở cửa 1km đầu tiên là 20.000 đồng/km, từ km tiếp theo đến km thứ 25 là 15.500 đồng/km . Và từ km thứ 26 trở đi, giá cước chỉ còn 12.500 đồng/km .

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thành lập công ty và hoàn thiện các bước để sẵn sàng cho cuộc chiến trong thị trường vận tải hành khách trên đầy đủ các phương diện: từ taxi truyền thống, gọi xe công nghệ cho đến cả thị trường gọi xe máy.

Một "cuộc cách mạng" của thị trường taxi?

Sự tham gia của GSM với đầy đủ trang bị được đánh giá sẽ tạo ra tín hiệu mới trong một thị trường tiềm năng nhưng gần như đã được phân chia xong tại Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường taxi Việt Nam được định giá 440 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 790 triệu USD vào năm 2026, đạt tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate - tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) khoảng 10,25% trong giai đoạn 2021-2026.

Tuy nhiên, Mordor Intelligence cũng cho biết, hiện thị trường Việt Nam đang có hơn 200 hãng taxi hoạt động, nhưng chưa có hãng taxi thuần điện.

Trong khi đó, thị trường đã tạm được chia xong với Vinasun và Mai Linh là hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, trong vài năm trở lạ đây, cả Vinasun và Mai Linh đều ghi nhận tình hình kinh doanh khó khăn do sự cạnh tranh của các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Gojek,…

thị trường taxiTổng quan thị trường ô tô Việt Nam từ 2018 - 2027. Nguồn Mordor Intelligence

Cụ thể, CTCP Tập đoàn Mai Linh với thương hiệu taxi Mai Linh – là ông lớn của miền Bắc, nhiều năm qua liên tục báo lỗ, với số lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2021 lên đến 1.419 tỷ đồng trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 1.246 tỷ đồng.

Còn CTCP Ánh Dương Việt Nam với thương hiệu Vinasun là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tại phía Nam. Nhưng trong hai năm 2020, 2021 liên tiếp, Vinasun cũng đều báo lỗ. Số lượng xe của hãng cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, cuối năm 2022 con số này ước đạt 2.621 chiếc, tức giảm hơn một nửa.

Lũy kế cả năm 2022, Vinasun đạt doanh thu thuần 1.089 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2021. Lợi nhuận sau thuế là 185 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 277 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinasun đã không lâm vào tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Báo cáo từ Mordor Intelligence cũng thừa nhận, khi các hãng truyền thống gặp khó, các hãng gọi xe công nghệ lên ngôi. Grab, dù không sở hữu bất kỳ một chiếc xe hay tài xế nào, đã lần đầu tiên lọt top các hãng taxi phổ biến nhất tại Việt Nam bên cạnh các tên tuổi như Mai Linh, Vinasun.

Lý giải nguyên nhân lên ngôi của taxi công nghệ, Mordor Intelligence cho rằng giá cước taxi giảm và việc đặt xe dễ dàng thông qua các ứng dụng di động là những yếu tố chính.

Hơn nữa, đặt xe qua gọi điện thoại và gọi xe tiếp tục tồn tại như một dịch vụ chính của các hãng taxi phổ biến như Mai Linh, Vinasun, Vinataxi, TaxiGroup, Hoàng Long,...

thị trường taxi

Tuy nhiên, đặt xe trực tuyến lại là cuộc chơi của các doanh nghiệp ngoại. Theo số liệu từ Vụ Vận tải (Bộ GTVT), thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có sự tham gia của khoảng 20 nền tảng khác nhau. Hiện có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.

Theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%. Như vậy, có khoảng 17 ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” còn lại chia nhau hơn 1% thị phần.

Tuy nhiên, thị trường taxi Việt Nam không thương hiệu nào trong con số trên là taxi thuần điện.

Trong khi đó, báo cáo của Mordor Intelligence cũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2023 – 2028, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất cho taxi chạy bằng xe điện.

Do đó, sự xuất hiện của GSM với hướng tiếp cận thị trường mới: dùng xe điện để tận dụng ưu thế về chủ trương giảm khí phát thải và lợi thế về ứng dụng công nghệ được xem sẽ khuấy động thị trường xe taxi hiện nay.

Sau nhiều năm phát triển, taxi truyền thống đã bão hòa và đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại hình xe công nghệ. Tới đây, khi những chiếc taxi điện chạy trên đường, “miếng bánh” thị phần sẽ ngày càng nhỏ lại, do đó GSM cần trang bị nhiều hơn nữa cho một cuộc chiến dài hơi.

Tin liên quan