5 loại quy hoạch đô thị và nông thôn góp phần tháo gỡ bất cập

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Dự án luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Việc UBTVQH cho ý kiến để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các nội dung trong dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) tới đây.

Giữ quy định 5 loại quy hoạch

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 3), Thường trực Ủy ban Kinh tế (TTUBKT) nhận thấy, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, tổ chức xen kẽ và được quản lý theo các cấp chính quyền hành chính.

Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ về lãnh thổ để bảo đảm yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, cách phân loại “quy hoạch đô thị”, “quy hoạch nông thôn” như tại dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành, thực tế triển khai chưa phát sinh vướng mắc. Vì vậy, TTUBKT đề nghị tiếp tục quy định 5 loại quy hoạch đô thị và nông thôn như Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Liên quan vấn đề quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, do còn ý kiến khác nhau nên TTUBKT đã có Công văn số 2985/UBKT15 gửi 5 thành phố trực thuộc trung ương đề nghị cho ý kiến. Tuy nhiên đến nay, TTUBKT chưa nhận được văn bản phúc đáp, do đó, dự thảo Luật đang thể hiện theo phương án của Chính phủ tại Tờ trình số 227/TTr-CP. Trên cơ sở ý kiến của các thành phố trực thuộc trung ương, TTUBKT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định có liên quan để báo cáo UBTVQH.

Về lập quy hoạch đối với đô thị mới, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại Điều 3 và Điều 21 theo hướng không yêu cầu đối với tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải lập thêm quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương bên cạnh quy hoạch tỉnh; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 5 về trường hợp huyện được định hướng để thành lập thành phố, thị xã thì không lập quy hoạch chung huyện mà lập quy hoạch chung đô thị mới đối với phạm vi toàn huyện hoặc theo phạm vi, quy mô diện tích phù hợp với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến thành lập.

Trường hợp định hướng hình thành đô thị mới là thị xã, thị trấn, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gắn với nhập, tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hiện có (trừ trường hợp huyện định hướng thành lập thành phố, thị xã), phần lớn ý kiến trong TTUBKT cho rằng, quy định về lập quy hoạch đối với đô thị mới là cần thiết để tạo cơ sở quản lý quy hoạch không gian đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ đáp ứng tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị theo phạm vi đô thị mới được định hướng thành lập và phù hợp với định hướng sắp xếp đơn vị hành chính được xác định tại quy hoạch tỉnh.

Tránh tình trạng “chờ” quy hoạch không gian ngầm

Về quy hoạch chung xã, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà thể hiện nội dung quy hoạch chung xã trong quy hoạch chung huyện (điểm d khoản 2 Điều 27). Đồng thời quy định cụ thể về việc chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, điều kiện tự nhiên đặc thù tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện thì UBND cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện (khoản 6 Điều 27 và Điều 28).

Về quy hoạch không gian ngầm, TTUBKT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát câu chữ quy định, bảo đảm các công trình ngầm trong không gian ngầm là đối tượng của quy hoạch không gian ngầm lập theo quy định của Luật không bao gồm các tầng hầm của các công trình bất động sản do doanh nghiệp đầu tư như trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng... được xác định theo dự án đầu tư, bảo đảm thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng “chờ” quy hoạch không gian ngầm mới được triển khai thực hiện các dự án đầu tư tư nhân nêu trên, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là luật khó, chuyên ngành và có tác động rộng bởi vấn đề quy hoạch thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc. Những quy định tại dự thảo Luật đã bám sát, rà soát để xử lý những vướng mắc trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, đối với hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa các quy hoạch phải hết sức lưu ý về quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương. Quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch các thành phố lớn trực thuộc tỉnh lần này có sự quan tâm. Điều này sẽ làm rõ chức năng, nội dung, phạm vi, mức độ, chi tiết quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch tỉnh, tránh chồng chéo.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đối với công tác quy hoạch, chúng ta phải xem là rất quan trọng đối với cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, làm sao đúng theo quy hoạch, tránh điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; phá vỡ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch trước.

Theo đánh giá của nhiều ĐBQH, chuyên gia quy hoạch, dự án luật này đã cụ thể hóa các chính sách xác định hệ thống quy hoạch đô thị cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch; các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch; quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn… Những chính sách này kỳ vọng sẽ cơ bản tháo gỡ các vấn đề bất cập trong quy hoạch, thúc đẩy sự gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.