Bộ Công Thương dừng cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC

Kể từ ngày 1/1/2024, việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ.

Bộ Công Thương dừng cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC

Kể từ ngày 1/1/2024, việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngày 8/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Do đó, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương về việc tiếp tục thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho đến hết ngày 31/12/2023.

Chính vì vậy, từ ngày 1/1/2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ, Cục Xuất nhập khẩu triển khai cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC cho thương nhân theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT cho đến hết ngày 31/12/2023.

Kể từ ngày 1/1/2024, việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ.

Chi tiết nội dung văn bản số 1115/XNK-TLH tại đây

HFC là môi chất lạnh nhân tạo có tên đầy đủ là Hydrofluorocarbon, được tạo thành từ 3 nguyên tố: Hidro, Flo và Cacbon. HFC có ứng dụng thiết thực trong rất nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như: dược phẩm, thực phẩm, điện lạnh, cứu hỏa,...

Tuy không gây tác động phá hủy tầng ozon nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, HFC có khả năng gây hiệu ứng nhà kính và làm nóng lên toàn cầu cao, gấp hàng nghìn lần so với CO2. Chính vì lẽ đó nên việc khai tử HFC chỉ là vấn đề thời gian.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định, lộ trình quản lý, loại trừ các chất HFC theo giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1/1/2024 - 31/12/2028: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt mức tiêu thụ cơ sở; tổng lượng sản xuất quốc gia không vượt mức sản xuất cơ sở;

Giai đoạn 1/1/2029 - 31/12/2034: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 90% mức tiêu thụ cơ sở; tổng lượng sản xuất quốc gia không vượt 90% mức sản xuất cơ sở;

Giai đoạn 1/1/2035 - 31/12/2039: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 70% mức tiêu thụ cơ sở; tổng lượng sản xuất quốc gia không vượt 70% mức sản xuất cơ sở;

Giai đoạn 1/1/2040 - 31/12/2044: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 50% mức tiêu thụ cơ sở; tổng lượng sản xuất quốc gia không vượt 50% mức sản xuất cơ sở;

Từ ngày 1/1/2045: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt 20% mức tiêu thụ cơ sở; tổng lượng sản xuất quốc gia không vượt 20% mức sản xuất cơ sở.

Hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu được phân bổ cho các tổ chức từng năm, không vượt quá tổng lượng tiêu thụ quốc gia các chất được kiểm soát. Việc phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất được kiểm soát cho tổ chức hằng năm được xác định theo yêu cầu quản lý hạn ngạch, nhu cầu sử dụng và lượng sử dụng trung bình của tổ chức trong 3 năm gần nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mức sản xuất và tiêu thụ cơ sở các chất HFC của Việt Nam trước ngày 31/12/2023. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch nhập khẩu, sản xuất đối với các chất được kiểm soát; có ý kiến về danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất nhập khẩu theo điều kiện trong phạm vi quản lý.

Tin liên quan