Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Chiều 11/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Cùng dự có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành và Ban Thường vụ Thành ủy, Lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của TP. Đà Nẵng; đồng thời, ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Thành phố trong những năm qua; đặc biệt, năm 2022, kinh tế Đà Nẵng có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với kinh tế tăng trưởng 14% đứng thứ 3 cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 62,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng 17,9%, cao hơn mức tăng 10,6% của cả nước…
Bước sang năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, hoạt động công nghiệp, thương mại của Đà Nẵng cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong 10 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu đạt thấp hơn mức chung cả nước như: GRDP chỉ tăng 2,92% (cả nước tăng 4,24%); chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,7% (cả nước tăng 0,5%); kim ngạch xuất khẩu giảm 11,1% (cả nước giảm 8,2%).
Chia sẻ với những khó khăn của kinh tế Thành phố những tháng vừa qua, Tư lệnh ngành Công Thương tin tưởng rằng đây chỉ là tạm thời và tình hình đang có chuyển biến tích cực hơn; bằng truyền thống, kinh nghiệm của mình, Đà Nẵng chắc chắn sẽ có chu kỳ phát triển mới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh, khả thi cho Thành phố phát triển. Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tuy được ban hành gần 5 năm nhưng đến nay Thành phố mới có Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một vài cơ chế đặc thù.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu tại cuộc làm việc
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng thời gian tới, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền Thành phố quan tâm 6 nội dung chính sau:
Thứ nhất, Đà Nẵng đã có Quy hoạch của thành phố, nhưng được ban hành sau một số Quy hoạch ngành quốc gia. Đối với ngành Công Thương có 4 Quy hoạch ngành đã được công bố đều gắn với TP Đà Nẵng như Quy hoạch điện, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Vì vậy, đây là thời điểm rất cần Thành phố rà soát lại để điều chỉnh Quy hoạch của mình tương thích với các Quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch của ngành Công Thương, đồng thời đề nghị Thành phố rà soát Kế hoạch sử dụng đất trong kỳ tại địa phương và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thu hút đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng và trọng điểm ngành trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, Đà Nẵng cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng gắn đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo - coi đây là động lực chính để phát triển; tập trung phát triển ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế như công nghiệp điện tử, thiết bị điện, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao; chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, quang - điện tử, tự động hóa…
“Đà Nẵng hiện đã là một trong những điểm góp phần cung ứng chuỗi sản phẩm linh kiện hàng không cho các hãng tàu bay lớn trên thế giới”- Bộ trưởng dẫn chứng. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên; hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành quy mô khu vực… nhằm tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Thứ ba, tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, khả thi cho Đà Nẵng theo tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và đúc kết kinh nghiệm bước đầu trong việc đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chú trọng rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách của địa phương bảo đảm đồng bộ, khả thi, nhất là các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên kết nội vùng và liên vùng ở mọi cấp độ để khai thác lợi thế về vị trí là giao điểm, cửa ngõ cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng sông Mê Công và quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển 2 mũi nhọn: (1) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (2) Trung tâm dịch vụ cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics; Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Thứ năm, tập trung củng cố và phát triển vai trò "trung tâm tiêu dùng" của Vùng và cả nước nhằm khai thác lợi thế của một đô thị lớn. Chú trọng phát triển 02 động lực tăng trưởng mới đó là thương mại điện tử và kinh tế đêm, nhằm thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng về kinh tế, dịch vụ.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng chính ngạch; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, tận dụng hiệu quả cơ hội của các FTA mà nước ta là thành viên để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Tích cực tham gia các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương. Đây là cơ hội để địa phương tiếp cận nhanh nhất với diễn biến mới của thị trường các nước để có những phản ứng chính sách kịp thời và điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.
Thứ sáu, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, doanh nghiệp số để Đà Nẵng thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng công nghệ cao, công nghệ số. Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; khai thác tốt lợi thế của trung tâm giáo dục lớn nhất khu vực miền Trung - Tây nguyên để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương và của Vùng.
Liên quan đến các kiến nghị của địa phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Đà Nẵng không có đề xuất trực tiếp đối với Bộ Công Thương nhưng có một số vấn đề liên quan đến ngành như đầu tư theo phương pháp đối tác công - tư (PPP) đối với dự án hạ tầng logistics quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên, hay hạ tầng thương mại (bao gồm chợ, trung tâm hội chợ triển lãm…).
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị định 63 năm 2018 của Chính phủ cho phép áp dụng mô hình đối tác công tư với hạ tầng thương mại. Nhưng từ năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 35 thay thế Nghị định 63 thì PPP không còn được áp dụng đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên qua theo dõi thì việc áp dụng mô hình PPP trong các dự án logistics, hạ tầng thương mại (gồm chợ, trung tâm hội chợ triển lãm) là rất cần thiết. Có như vậy mới thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư vào những lĩnh vực rất nhiều tiềm năng này của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 02 và Nghị định 114 về phát triển và quản lý chợ, trong đó đều đã đề xuất cơ chế này.
Đối với đề xuất cơ chế để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương rất đồng tình và ủng hộ đề xuất của TP. Đà Nẵng.
Bộ trưởng cũng dẫn chứng những số liệu cụ thể như: Mỹ khi ban hành Luật Chíp và chất bán dẫn đã đầu tư 280 tỷ USD. Riêng hỗ trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất, chíp bán dẫn ở Mỹ là 39 tỷ USD; hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu là 13,2 tỷ USD. Tương tự Trung Quốc, ngay từ năm 2014 đã chi 22 tỷ USD để hỗ trợ cho chương trình "made in China"; năm 2019 tiếp tục bỏ ra 31 tỷ USD cho chương trình này. Hàn Quốc gần đây có chính sách hỗ trợ, giảm 25 - 30% tất cả các loại thuế cho những doanh nghiệp sản xuất tại chỗ và giảm 50% cho tất cả những đơn vị đào tạo, nghiên cứu về chíp bán dẫn.
Vì vậy, cần thiết phải có những cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh và khả thi để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư này đến với Thành phố.
Theo moit.gov.vn