Cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Kinh tế nửa đầu năm 2024 đạt được nhiều thành tựu tích cực, với GDP quý II tăng trưởng 6,93%, sáu tháng đầu năm tăng trưởng 6,42%. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có dấu hiệu phục hồi.

Nhiều địa phương trên cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, có thể kể đến như Bắc Giang tăng trưởng hơn 14%, Khánh Hòa tăng trưởng 12,7%, Thanh Hóa tăng trưởng 11,5%. Với tình hình này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ vượt mốc mục tiêu 6,5% Quốc hội đặt ra.

Khẳng định nền kinh tế đang phục hồi một cách lạc quan, tuy nhiên, Bộ trưởng cảnh báo, nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước đe dọa nền kinh tế và doanh nghiệp, đòi hỏi cần những biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, các động lực tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng, cạnh tranh gay gắt.

Công nghiệp và xây dựng là động lực chính để nền kinh tế bứt phát trong năm 2024 nhưng lại phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của các thị trường lớn. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng đang phải chờ tín hiệu từ thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công.

Về phía cầu, đầu tư và tiêu dùng đều phục hồi chậm, thể hiện qua nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các tuyến phố lớn, trung tâm thương mại phải trả mặt bằng, ngừng hoạt động.

Tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc, doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với rủi ro áp thuế chống bán phá giá cũng như các tiêu chuẩn mới liên quan đến phát triển bền vững, khử carbon trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh những thách thức nêu trên, Bộ trưởng cho biết, qua làm việc với các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, một trong những khó khăn đáng phải kể đến là thiếu hụt vốn, áp lực lãi suất và thủ tục hành chính.

Trong tình thế đó, nền tảng ổn định vĩ mô cũng tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến lạm phát. Nửa đầu năm, lạm phát đạt 4,08%, vẫn thấp hơn trần 4,5% nhưng Bộ trưởng cảnh báo, lạm phát thường tăng nhiệt vào những tháng cuối năm bởi những yếu tố rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả toàn cầu và tâm lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Mặt khác, tình hình thiên tai, bão lũ cũng đe dọa đến triển vọng kinh tế. Theo ước tính, nửa đầu năm 2024, thiên tai đã gây ra thiệt hại lên đến 1,7 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Đời sống của bà con nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn, với một loạt vấn đề chưa được giải quyết triệt để như tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tội phạm công nghệ cao.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, và mở rộng thị trường, bởi đây là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Mặt khác, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Bộ trưởng cho biết, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án này không chỉ tạo động lực phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm mà còn góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Lãnh đạo ngành kế hoạch đầu tư khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng và nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân để cùng vượt qua khó khăn, thách thức.

Doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ do thiếu vốn