Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình số 15/TTr-BLĐTBXH trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu vùng đang được duy trì gần 2 năm nay theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP và không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình tại thời điểm năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%). Do vậy, cần xem xét điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu so với quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP nêu trên.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2023 đạt 5,05%, quý I năm 2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn; tiền lương, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.
Thứ hai, giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ- CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI). Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4%-4,5%, mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tại thời điểm năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).
Thứ ba, mức lương tối thiểu hiện được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện, tuy nhiên đến nay một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã có thay đổi về địa giới hành chính (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể) sau khi thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc có sự thay đổi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư nên cần phải rà soát, cập nhật.
Thứ tư, ngày 12/1/2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo gửi Chính phủ khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Thứ năm, theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/ 2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thì kể từ ngày 1/7/2024, chính sách tiền lương sẽ được triển khai cải cách tổng thể theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Khi đó, tiền lương của các đối tượng thuộc khu vực công sẽ được điều chỉnh tăng. Vì vậy, nếu không điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với người lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động sẽ không bảo đảm cân đối và phát sinh sự so sánh, so bì giữa các khu vực.
Đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Theo đó:
Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng);
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng);
Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng);
Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024. Cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Mức điều chỉnh này được Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, ngoài việc được tăng tiền lương hàng tháng, người lao động sẽ được tăng một số quyền lợi như: Tăng tiền lương ngừng việc; tăng tiền lương tối thiểu khi chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất mức lương tối thiểu/giờ.
Cụ thể, vùng I là 23.800 đồng/giờ.
Vùng II là 21.200 đồng/giờ.
Vùng III là 18.600 đồng/giờ.
Vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu/giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đây là phương pháp được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ năm 2022.
Điều chỉnh phân vùng một số địa bàn
Bên cạnh việc tăng lương tối thiểu vùng 6%, Dự thảo còn đề xuất thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu kéo theo mức tăng lương tối thiểu vùng ở nơi thay đổi địa bàn sẽ có mức tăng lương tối thiểu vùng cao hơn.
Điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh. Với sự điều chỉnh này, lương tối thiểu vùng của người lao động ở những địa phương này sẽ tăng từ 4.160.000 đồng lên thành 4.960.000 đồng/tháng (tức tăng thêm 800.000 đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 19,23%).
Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng. Sau điều chỉnh, mức lương tối thiểu vùng tại những địa bàn này sẽ tăng từ 3.640.000 đồng lên 4.410.000 đồng/tháng, tức tăng thêm 770.000 đồng/tháng, tương ứng mức tăng 21,15%.
Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; Các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; Và huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận. Với những địa bàn này, người lao động được tăng lương tối thiểu từ 3.250.000 đồng lên thành 3.640.000 đồng/tháng, tức tăng thêm 610.000 đồng, tương ứng mức tăng 18,77%.
Như vậy, tăng lương tối thiểu vùng 21% với người lao động làm việc ở những vùng được thay đổi địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng từ vùng III lên vùng II từ ngày 1/7 tới.
Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/7/2022.
Tại Nghị định này, mức lương tối thiểu tháng được quy định theo vùng là: Vùng I là 4.680.000 đồng, vùng II là 4.160.000 đồng, vùng III là 3.640.000 đồng, vùng IV là 3.250.000 đồng.
Về mức lương tối thiểu giờ là: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu vùng theo Nghị định này đã duy duy trì gần 2 năm nay và hiện đã không còn đảm bảo mức sống tối thiểu.