Khởi tố vụ án giả mạo táo đỏ Hàn Quốc được phát hiện tại Công ty XNK Mai Dương Gia

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng vừa tiến hành khởi tố vụ án hình sự tội giả mạo táo đỏ Hàn Quốc...

Theo lực lượng chức năng, sản phẩm giả mạo táo đỏ Hàn Quốc Kim Hong Bok Boeun được tạo thành từ việc đặt in bao bì và đóng gói sản phẩm táo đỏ khô xuất xứ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Toàn bộ sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc giả mạo được phát hiện bởi lực lượng Quản lý thị trường TP. Hải Phòng và Phòng Cảnh sát kinh tế thành phố này tại kho hàng ở xã An Tiến, huyện An Lão thuộc sở hữu của Công ty TNHH đầu tư XNK Mai Dương Gia, cùng 2 phương tiện vận tải.

Thời điểm kiểm tra tại kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn nấm hương khô, mộc nhĩ khô có nguồn gốc từ Trung Quốc không qua chế biến đang được đóng gói thành phẩm hoàn chỉnh có bao bì ghi: Nấm hương rừng Tây Bắc; Nấm hương sạch Tây Bắc,... và có in logo, nhãn hiệu 3K, Food Library thể hiện xuất xứ Việt Nam do Công ty TNHH XNK nông sản và gia vị sạch sản xuất.

Khởi tố vụ án giả mạo táo đỏ Hàn Quốc được phát hiện tại Công ty XNK Mai Dương Gia

Đặc biệt, các nhân công tại đây sử dụng táo đỏ khô có nguồn gốc Trung Quốc không qua chế biến đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh giả mạo táo đỏ Hàn Quốc, có bao bì ghi chữ Hàn Quốc và tiếng Anh nhãn hiệu Samsung, Made in Korea.

Trong khi đó, trên 2 phương tiện vận tải lực lượng chức năng phát hiện đang vận chuyển sản phẩm mộc nhĩ khô, nấm hương khô và táo đỏ khô đã được đóng gói thành phẩm nhãn hiệu 3K, Food Library đến khách hàng nhưng chưa kịp giao thì bị lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra và tạm giữ.

Sau quá trình giám định, cơ quan chức năng kết luận: Sản phẩm giả mạo táo đỏ khô Hàn Quốc Kim Hong Bok Boeun – Trọng lượng: 1000g – Thành phần và hàm lượng: Táo đỏ Hàn Quốc 100%, Nhà sản xuất: Boeun Samga Korean Date Farm, mã vạch 8809489180010 được tạo thành từ việc đặt in bao bì và đóng gói sản phẩm táo đỏ khô xuất xứ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng giả thuộc trường hợp hàng hóa có bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân sản xuất và giả mạo về nguồn gốc xuất xứ.

Đến thời điểm này, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra toàn bộ hồ sơ vụ việc để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.

Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính hành, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.

Trong khi đó, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể, trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.