Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; các chính phủ nước ngoài đã thực hiện nhiều cách tiếp cận hơn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thúc đẩy điều luật bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số
Theo một công bố mới đây của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), các nền tảng kỹ thuật số như Facebook, Twitter, Instagram, Amazon và TikTok sẽ phải hoạt động tích cực hơn trong việc ngăn chặn các các trò gian lận, ứng dụng có hại và đánh giá giả mạo trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, ACCC muốn chính phủ phải xây dựng điều luật để bắt buộc các nền tảng điện tử phải có quy trình báo cáo thân thiện với người dùng.
Các nền tảng điện tử cũng sẽ được yêu cầu xác minh người dùng doanh nghiệp như nhà quảng cáo, nhà phát triển ứng dụng và người bán; và quy trình xác minh đánh giá này phải được công khai. ACCC cũng đề xuất một chương trình thanh tra nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ quyền truy cập của người dùng nhằm giải quyết một số tranh chấp nhất định.
Không chỉ tại Úc, Ấn Độ cũng đang tìm cách thắt chặt các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Vào ngày 4/11, Cục Bảo vệ Người Tiêu dùng Ấn Độ công bố soạn thảo một bộ hướng dẫn chi tiết để đưa vào Quy tắc bảo vệ người tiêu dùng (Thương mại điện tử).
Trong nỗ lực bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng và ngăn chặn việc chia sẻ trái phép thông tin cá nhân, chính phủ Ấn Độ dự kiến đưa ra các quy định nghiêm ngặt mới. Theo một báo cáo, các cơ quan quản lý có thể yêu cầu các nền tảng phải xin phép người tiêu dùng trước khi tiết lộ dữ liệu cá nhân của họ. Nếu được hoàn thiện, các nguyên tắc này sẽ được đưa vào Quy tắc bảo vệ người tiêu dùng (Thương mại điện tử) đang được nhiều bên liên quan mong đợi.
“Các công ty thương mại điện tử sẽ phải tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin cùng Cục Bảo vệ Người Tiêu dùng soạn thảo,” tờ Business Standard dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao cho biết.
Hiện tại chưa có điều luật nào ở Ấn Độ đề cập đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, một số khía cạnh của nó đã được đưa vào quan điểm của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), thông qua các chính sách địa phương hóa dữ liệu cho các công ty fintech.
Theo một số chuyên gia, như tờ Business Standard đã trích dẫn, khách hàng có quyền chống lại các công ty thương mại điện tử nếu chia sẻ thông tin mà không có sự đồng ý của mỗi cá nhân. Do đó, các công ty cần nâng cấp công nghệ của mình để đưa vào các tính năng xin phép chia sẻ thông tin. “Các công ty sẽ phải sẵn sàng chấp nhận chi phí cao hơn cho việc nâng cấp công nghệ cần thiết để tuân thủ những quy định này. Và chính phủ sẽ sát sao theo dõi xem các công ty thương mại điện tử có tuân thủ đúng yêu cầu hay không”, trích dẫn nhận xét của luật sư Atul Pandey tại công ty luật Khaitan and Co. Pandey.
Ngành hàng không bổ sung quy tắc bảo vệ người tiêu dùng
Bên cạnh thương mại điện tử, lĩnh vực hàng không cũng đang nhận được sự quan tâm lớn, đặc biệt là sau thời điểm 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Mới đây, Malaysia đã bổ sung quy tắc bảo vệ người tiêu dùng hàng không. Trong đó, "hành khách có thể được hoàn tiền theo phương thức thanh toán ban đầu khi chuyến bay bị gián đoạn", trích dẫn sửa đổi trong Bộ luật Bảo vệ Người tiêu dùng Hàng không Malaysia (MACPC), dự kiến sẽ được thực hiện vào quý đầu tiên của năm 2023.
Điều khoản mới là một trong những thay đổi được đề xuất trong Bộ luật MACPC 2022 nhằm bảo vệ người tiêu dùng đã trả trước tiền mua vé máy bay nếu hãng hàng không không thể cung cấp dịch vụ như đã cam kết, bao gồm cả trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính, chẳng hạn như thực hiện tái cơ cấu nợ, thanh lý hoặc các vấn đề cấp phép.
"Điều khoản mới này sẽ loại bỏ hiệu quả bất kỳ sự mâu thuẫn nào trong các hình thức hoàn tiền dành cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Ủy ban Hàng không Malaysia (Mavcom) còn đề xuất rằng các hãng hàng không nên hoàn tiền theo phương thức thanh toán ban đầu nếu các chuyến bay bị hoãn,” một tuyên bố của Ủy ban Hàng không Malaysia (Mavcom) cho thấy. "Trong trường hợp một hãng hàng không dự đoán được sự gián đoạn hoạt động của mình, hãng nên thông báo và gửi một kế hoạch giải quyết chi tiết cho Uỷ ban Hàng không Malaysia (Mavcom), sau đó có thể thực hiện các bước thích hợp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Mavcom mới đây đã phát hành một tài liệu tham vấn về các sửa đổi được đề xuất đối với quy định liên quan đến hoàn tiền, quyền lợi của hành khách, thẻ đi lại và loại bỏ các chuyến bay bị hủy khỏi hệ thống đặt vé của các hãng hàng không.
Chủ tịch điều hành Mavcom Datuk Seri Saripuddin Kasim cho biết: “Như một phần trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hàng không, chúng tôi đang đề xuất những thay đổi đối với MACPC để giải quyết tốt hơn những ‘lỗ hổng’ trong quy định, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo rằng họ nhận thức đầy đủ về kỳ vọng của Mavcom trong việc nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng hàng không.”
“Ngoài ra, các phiên tham gia thảo luận được tổ chức cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ hàng không đưa ra phản hồi, để có thể song song đảm bảo quyền lợi khách hàng và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các công ty trong ngành,” ông Kasim nói thêm.
Đây sẽ là lần cải tiến thứ hai của MACPC, sau lần sửa đổi đầu tiên vào năm 2019. Các sửa đổi vào năm 2019 bao gồm việc loại bỏ các khoản chi phí ẩn để đảm bảo tính minh bạch hơn về nghĩa vụ của các hãng hàng không đối với người tiêu dùng và hướng dẫn rõ ràng hơn cho người tiêu dùng về quyền và lợi ích của họ với tư cách là người đi máy bay.
Kể từ khi MACPC có hiệu lực vào năm 2016, các hãng hàng không đã phải hoàn tiền cho du khách nếu chuyến bay bị hủy hoặc thay đổi đáng kể. Việc hành khách không nhận được tiền hoàn lại cho các chuyến bay bị hủy vì đại dịch Covid-19 là một trong những khiếu nại hàng đầu mà Mavcom nhận được. Một số hãng hàng không do thiếu tiền mặt nên đã chỉ cung cấp lựa chọn voucher du lịch hoặc đặt lại chỗ cho các chuyến bay bị hủy, thay vì hoàn lại tiền cho hành khách.
Bộ luật Bảo vệ Người tiêu dùng Hàng không Malaysia (MACPC) được áp dụng cho tất cả các hãng hàng không địa phương hoặc quốc tế, các hãng hàng không dịch vụ đầy đủ hoặc giá rẻ, hoạt động trong hoặc ngoài Malaysia.
Không chỉ riêng Malaysia, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Canada, trong năm nay đã triển khai các quy định mới liên quan đến trách nhiệm của các hãng hàng không trong trường hợp huỷ, hoãn chuyến bay; yêu cầu các hãng hàng không phải hoàn trả toàn bộ tiền cho các trường hợp hủy và hoãn chuyến bay (ngay cả khi việc hủy hoặc hoãn chuyến đó không phải do lỗi của hãng hàng không), nếu hành khách không được đặt chuyến bay mới trong vòng 48 giờ.