Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ năm 2024 có gì đáng chú ý?

Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành.

Khác với các năm trước, thay vì đặt mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau đó mới tới nội dung ‘giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn’.

Trước đó, thay đổi này đã được đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ đầu tháng 12/2023 và cho biết phương châm xây nghị quyết này: phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội.

Để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, nghị quyết mới nêu rõ các giải pháp gồm chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Các giải pháp tín dụng được thực hiện phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".

Ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Công tác xúc tiến thương mại được tăng cường; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu.

Thị trường nội địa được đẩy mạnh phát triển. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 9%.

Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch được giao; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, nghị quyết 01 nêu rõ, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả.

Phấn đấu năm 2024, đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Không chỉ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như năm trước, nghị quyết 01 năm 2024 còn nêu rõ: tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Tiếp theo là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 có 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.

Ngoài ra, năm 2024, Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển liên kết vùng, Hội đồng vùng hoạt động có hiệu quả, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị.

Trong đó, nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Theo đó, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; trong năm 2024, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc.

Các dự án hạ tầng quy mô lớn cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa. Bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu. Kịp thời rà soát điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để phù hợp với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu;

Năm 2024, Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách, định hướng về phát triển, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị. Đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng... để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tin liên quan