Phát triển điện mặt trời mái nhà không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện

Thời gian gần đây vấn đề về ban hành chính sách liên quan đến điện mặt trời mái nhà được các bộ, ngành liên tục đưa ra thảo luận…

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều nay, Bộ Công Thương đã nhận được câu hỏi về tiến độ ban hành chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/52023 đã đề ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cũng nêu rất rõ, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu, trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng của các công sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Việc phát triển nguồn điện này tập trung vào tận dụng điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng, đồng thời khuyến khích phải tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện.

Để thực hiện được chủ trương của Chính phủ, cần phải xây dựng văn bản pháp luật để cụ thể hoá và đưa cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đi vào hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Trong đó, những nội dung cơ bản gồm khái niệm về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; quy định các công trình có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.

Dự thảo nghị định đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phê duyệt dự thảo nghị định này.

Tại một diễn biến khác, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu vào chiều nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, về phạm vi điều chỉnh, nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Các trường hợp không thuộc đối tượng của nghị định gồm điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Theo Bộ Công Thương, có 3 lý do cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu.

Thứ nhất, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Việc phát triển điện mặt trời áp mái tạo cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.

Thứ hai, giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.

Thứ ba, thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và còn nhiều lợi ích khác.

Tin liên quan