Sáng 23/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), với tỷ lệ 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành…
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 và có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành.
Theo đó, về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, Luật đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đối với 9 nhóm hành vi bị bấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến, chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, Luật bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24; quy định về hình thức chào hàng cạnh đã cho phép áp dụng rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, và hỗn hợp…
Luật đã bổ sung quy định về giá gói thầu, theo đó “Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu” tại khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật. Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã sử dụng cụm từ “vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế” tại các điều khoản liên quan thay cho cụm từ ““thiết bị y tế, vật tư y tế.
Còn lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng, chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Cùng với đó, bổ sung quy định tại điểm e khoản 1 của Điều 55 về trường hợp “Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh”.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định đối với trường hợp không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả và mua vacxin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ tại khoản 2 Điều 55 và cũng quy định hướng dẫn mua sắm thuốc, vật tư y tế của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại khoản 3 Điều 55.
Bên cạnh đó, Luật quy định tại Điều 56 về ưu đãi cho các thuốc sản xuất trong nước và được Bộ Y tế chứng nhận đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra sự cạnh tranh với thuốc nhập khẩu. Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất dược tăng cường đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất thuốc, nâng cao tính cạnh tranh với thuốc nhập khẩu, đồng thời đáp ứng được chất lượng điều trị, thời gian điều trị, góp phần tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng và Bộ Luật dân sự năm 2015, thể hiện cụ thể tại các Điều 65, 67, 70, 71, 72 của dự thảo Luật. Đồng thời, Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại Điều 84, đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo.
Để đảm bảo tính bao quát, Luật đã quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại Điều 86. Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu; quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.