Trong thời gian góp ý Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề giá đất được người dân quan tâm và bàn luận nhiều nhất…
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên Môi trường
Trao đổi với báo chí, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, có hai vấn đề lớn, tồn tại nhiều tranh luận nhất trong đợt góp ý sửa đổi Luật Đất đai. Đó là vấn đề giá đất sát với thị trường và vấn đề bỏ khung giá đất.
Cụ thể, qua việc lấy ý kiến, ông Chính thấy rõ có những thảo luận về việc nếu đưa được bảng giá đất của các địa phương tiếp cận với thị trường thì những tranh chấp, khiếu nại về giá đất khi bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ có thể được giải quyết.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu giữ bảng giá với tỷ lệ thu như hiện nay thì việc huy động sự đóng góp theo nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng lên. Như vậy, khiến địa phương khó thu hút đầu tư, làm cho nguồn thu có ảnh hưởng.
Do vậy, bên cạnh việc Luật Đất đai sửa giá đất tăng lên để phù hợp với thị trường thì vấn đề về các luật thuế, nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo tỷ lệ thu phù hợp ổn định, đảm bảo không gây sốc cho những đối tượng, nhất là các doanh nghiệp đang phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.
Theo ông Chính, đối với thị trường bất động sản, hiện Chính phủ đang có các giải pháp để giải cứu thị trường này. Tuy nhiên, Cục trưởng cho rằng khó khăn chủ yếu xoay quanh vấn đề liên quan đến về vốn, tín dụng cho các dự án bất động sản.
Đối với đất đai trong quy hoạch thị trường bất động sản, hiện nay quy hoạch diện tích đất đang bị thiên lệch về nhu cầu nhà ở thương, thiếu đi quy hoạch cho các dự án nhà ở xã hội.
Hầu hết, tại các hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất các nhu cầu về đất cho nhà ở xã hội. Đặc biệt, chế độ tài chính cho vấn đề nhà ở xã hội, ví dụ nhiều trường đại học cho rằng các khu nhà ở sinh viên cần được miễn tiền thuê đất để giảm tiền thuê nhà cho sinh viên.
“Đây là những phản ánh chính đáng nên Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quan tâm đến tỷ lệ đất cho nhà ở xã hội cũng như các vấn đề nghĩa vụ tài chính cho các đối tượng này”, ông Chính cho hay.
Đồng thời, vị Cục trưởng cũng khẳng định, với mỗi vấn đề cụ thể mà Dự thảo Luật đưa ra sẽ luôn có những ý kiến trái chiều, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến này.
Còn khi tiếp thu, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và lựa chọn vấn đề tiếp thu, việc tiếp thu dựa trên quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Được biết, hôm qua (ngày 15/3) chính là ngày kết thúc thời gian góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân, ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa ngày 13/3 cho biết, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.