Thống nhất phương án gỡ khó cho các dự án chưa tính được giá đất

Các dự án trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ được định giá đất theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm giao đất thực tế, nhân với hệ số điều chỉnh giá đất ở thời điểm tương ứng.

Dự án chưa định giá đất sẽ được tính theo bảng giá tại thời điểm giao đất

Tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện hai dự thảo nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và dự thảo quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã thống nhất phương án tháo gỡ cho các dự án chưa tính được giá đất.

'Vướng vào đất đai không rõ ràng, không ai dám làm'
'Vướng vào đất đai không rõ ràng, không ai dám làm'

Đây là các dự án chưa quyết định giá đất dù đã được giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất trên thực tế từ ngày 1/1/2005 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc định giá đất cho các dự án này sẽ được tính bằng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm giao đất trên thực tế nhân với hệ số điều chỉnh giá đất ở thời điểm tương ứng.

Phương án này được cho là sẽ tháo gỡ khó khăn rất lớn cho các dự án chưa tính được giá đất dù đã bàn giao đất để triển khai phát triển trong thời gian vừa qua.

Công tác điều tra, đánh giá đất đai phải mang tính tổng thể

Bên cạnh phương án định giá đất, tại cuộc họp với Phó thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng, công tác điều tra, đánh giá đất đai phải mang tính tổng thể.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ cần cụ thể hóa các nội dung điều tra, đánh giá đất đai, được quy định trong Luật Đất đai thành bộ chỉ tiêu, chỉ số cụ thể.

Phó thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phương pháp điều tra; các bộ chỉ tiêu, số liệu cần thu thập, điều tra, đánh giá đất đai tổng thể (diện tích, cơ cấu, biến động, chất lượng, tình trạng ô nhiễm…) phục vụ công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên đất đai cả nước.

Phó thủ tướng yêu cầu đưa các công nghệ vào điều tra, đánh giá đất đai, như công nghệ viễn thám, chụp ảnh hàng không. Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ và các địa phương cần được phân công nhiệm vụ trong thực hiện điều tra, đánh giá, cải tạo đất đai theo phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Đại điện Bộ Công an, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định kết nối, chia sẻ, cập nhật, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đồng thời, các nguồn kinh phí xây dựng, quản lý, bảo trì, duy trì, nâng cấp, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cũng cần làm rõ (như từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu từ khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin đất đai, dịch vụ giá trị gia tăng và các nguồn kinh phí khác).

Phó thủ tướng cho rằng cần quy định cụ thể về phương thức kết nối, chia sẻ các trường dữ liệu về đất đai với các cơ sở dữ liệu quốc gia, Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo từng cấp độ phù hợp với yêu cầu, nghiệp vụ quản lý của các bộ, ngành, địa phương cũng như nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng làm việc, thống nhất cơ chế theo dõi, cập nhật "địa chỉ số" của thửa đất, tài sản gắn liền với đất theo thời gian thực.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phương án về thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm phát triển quỹ đất; tư vấn lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; phương thức giao đất, cho thuê đất đối với thửa đất, diện tích đất nằm xen kẹt cho cá nhân.

Mặt khác, dự thảo nghị định cần có quy định về giá đất trong trường hợp quá thời hạn theo luật định và quy định dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới bàn giao đất trên thực địa.

Lo ngại rủi ro pháp lý, định giá đất đình trệ