Vướng pháp lý xin giấy phép lao động cho người nước ngoài

Việc xin giấy phép lao động ngày càng khắt khe và rườm rà kể từ khi Nghị quyết 105/2021 của Chính phủ hết hiệu lực đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và cũng có thể trở thành yếu tố cản trở dòng vốn đầu tư nước trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kể từ khi kể từ thời điểm Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 liên quan đến việc cấp phép cho người lao động nước ngoài hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong việc xin giấy phép cho người lao động đến từ nước ngoài do thủ tục ngày càng khắt khe và rườm rà hơn.

Sau khi Nghị quyết 105 hết hiệu lực, văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động tại Việt Nam là Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và Nghị định 152/2020 NĐ-CP ngày 30/12/2020.

Chia sẻ trong Hội nghị Luật lao động 2023 do câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức, bà Đặng Đức Giang, Giám đốc Dịch vụ di chuyển toàn cầu về thuế tại KPMG Việt Nam nhấn mạnh, có nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải từ các quy định pháp luật đang áp dụng hiện nay.

Thứ nhất, yêu cầu bằng đại học trở lên hoặc tương đương phải thuộc chuyên ngành phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Nhấn mạnh trong buổi đối thoại với chính quyền TP.HCM cách đây không lâu, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng, quy định bằng cấp phải phù hợp với công việc dự kiến làm việc đã gây khó khăn trong việc xin giấy phép lao động cho vị trí chuyên gia vì có nhiều trường hợp chuyên gia làm việc trái ngành nên không thể có bằng đại học liên quan trực tiếp đến công việc.

Thứ hai, giấy phép lao động đã được cấp tại Việt Nam không được dùng để chứng minh kinh nghiệm làm việc cho người lao động nước ngoài.

Eurocham cho rằng, cần cân nhắc điều chỉnh các yêu cầu về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc để phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ ba, quy định đối với việc người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động tại một tỉnh nhưng được điều động đi làm việc tại tỉnh/thành khác và chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan quản lý lao động địa phương nơi được điều chuyển đến đã bị bãi bỏ. Điều này có nghĩa là khi di chuyển đến một địa phương mới làm việc thì người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động do chính địa phương đó cấp.

Trong khi đó, một vấn đề khác liên quan là quan điểm của các cơ quan quản lý lao động địa phương đối với việc tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc tỉnh khác nộp hồ sơ xin giấy phép lao động tại địa phương không được áp dụng một cách thống nhất.

Chính điều này gây nhiều khó khăn cho bản thân người lao động và cả các doanh nghiệp. Đặc biệt, theo bà Giang, các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời thường xuyên được luân chuyển đến các dự án. Vừa phải xin giấy phép nhiều lần, thủ tục phức tạp và khác biệt giữa các địa phương cộng với thời gian cấp giấy phép bị kéo dài là những rào cản dễ thấy ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị đối thoại giữa Eurocham và chính quyền TP. HCM cách đây không lâu, đại diện doanh nghiệp đến từ châu Âu khẳng định, thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động đang bị kéo dài. Có công ty cần 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động, cá biệt có vài công ty mất đến 4 tháng. Trong khi đó, theo luật, cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ và trả kết quả trong 10 ngày làm việc và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Bên cạnh đề xuất việc hợp lý hóa quy trình thủ tục và cách diễn giải linh hoạt hơn về các quy định để đẩy nhanh và đơn giản hóa quá trình xin giấy phép lao động cho người nước ngoài, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Eurocham mong muốn Sở Lao động, thương binh và xã hội các tỉnh thành ban hành một mẫu đăng ký chính thức và tiêu chuẩn. Mẫu này sẽ giúp đảm bảo sự đồng bộ trên toàn quốc trong việc quản lý về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Một khó khăn khác, theo các doanh nghiệp đến từ châu Âu, là hạn chế về số lần được gia hạn giấy phép lao động. Theo quy định của Luật Lao động năm 2019, giấy phép lao động có thời hạn tối đa 2 năm. Doanh nghiệp, tổ chức có thể xin với thời hạn phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của mình và được gia hạn tối đa một lần bằng thời hạn được cấp nhưng không quá 2 năm. Điều này dẫn đến việc người nộp đơn phải làm lại toàn bộ quy trình đăng ký chỉ sau một thời gian ngắn.

Tin liên quan