Đề án 1 triệu ha lúa: Trợ lực từ cộng đồng doanh nghiệp

Xác định là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam vươn tầm chất lượng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính thức phê duyệt cuối năm 2023, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đến nay đã đi những bước đầu đầy khả quan. Đến tháng 7 tới đây, mô hình canh tác đầu tiên theo Đề án tại Cần Thơ sẽ bước vào kỳ thu hoạch.

Nhiều năm đồng hành với bà con nông dân trồng lúa miền Tây, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nhận xét, Đề án 1 triệu ha lúa khắc phục được những điểm yếu khiến chủ trương “cánh đồng mẫu lớn” dù được triển khai một thời gian dài nhưng không đem lại hiệu quả.

Theo ông Thòn, Lộc Trời là đơn vị tiên phong tham gia vào mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, do đó sẽ tích cực tham gia Đề án 1 triệu ha lúa trên tinh thần hỗ trợ người nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vị doanh nhân này xác nhận, Lộc Trời sẽ tham gia khoảng 365 nghìn trong tổng số 1 triệu ha thuộc Đề án nhờ vào những lợi thế như mô hình đạt 100 điểm SRP đầu tiên trên thế giới, sở hữu hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thị trường quốc tế.

Cũng là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa có mục tiêu tương đồng với chiến lược 10 năm của Trung An.

Theo ông Bình, giá gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện đang tương đối bấp bênh, trong khi nếu có thể canh tác theo mô hình phát thải thấp, được dán nhãn “carbon thấp”, khâu tiêu thụ sẽ ổn định hơn nhiều, tạo ra lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Sau khi Đề án 1 triệu ha lúa được phê duyệt, Trung An đã triển khai khoảng 6 nghìn ha lúa giảm phát thải tại vùng tứ giác Long Xuyên, qua đó liên kết với hàng ngàn nông hộ cùng tham gia vào mô hình canh tác lúa bền vững.

Còn đối với bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Đề án 1 triệu ha lúa mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp này thực hiện mục tiêu tổ chức lại toàn bộ mảng sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Cụ thể, với vai trò là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ cho canh tác nông nghiệp, Vinaseed tập trung xây dựng nhiều phương án như bộ giống lúa chất lượng cao chống chịu với biến đổi khí hậu, phân bón thế hệ mới giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Mặt khác, doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết với bà con theo hướng tài trợ tài chính sớm, bao tiêu đầu ra cho nông dân và chịu trách nhiệm thanh toán với ngân hàng.

Về công tác tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xác nhận sẽ là ngân hàng chủ lực đóng vai trò cấp vốn kịp thời với lãi suất hợp lý cho tất cả các khâu, từ canh tác, thu mua, chế biến và tiêu thụ trong việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.

Sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng góp phần quan trọng để huy động nguồn vốn dự kiến lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho Đề án 1 triệu ha lúa.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp tham gia vào đề án này sẽ được quyền lợi vay vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết, vay vốn dài hạn cho xây dựng hạ tầng sản xuất lúa gạo, được hỗ trợ chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và chứng nhận sản xuất carbon thấp.