Bộ Tài chính vừa có đề nghị các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới, đất liền...
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, sửa đổi Nghị định về quản lý cửa khẩu biên giới, đất liền để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với Luật Hải quan, Luật Biên phòng Việt Nam.
Đặc biệt, sửa đổi để tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Từ thực tế quản lý, thời gian qua Bộ Tài chính nhận được nhiều kiến nghị về việc gặp bất cập, khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu. Việc khó khăn này là do vướng về mặt thủ tục hành chính của các cơ quan trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát và thực hiện thủ tục của các cơ quan hải quan.
Cụ thể, là quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP. Theo quy định, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện; hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng.
Trong khi đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định: Bộ đội Biên phòng thực hiện kiểm soát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện vận tải.
Quảng cáo
Vì thế, việc kiểm soát phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hiện nay do cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng cùng thực hiện là không phù hợp với chủ trương của Đảng, các Điều ước quốc tế, quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Hải quan, Bộ Tài chính lập luận.
Vẫn theo Bộ Tài chính, quy định như vậy còn chưa phù hợp với Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết quy định như vậy chưa phù hợp với Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999 mà Việt Nam đã tham gia, ký kết. Theo đó, Công ước quy định mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ Hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan.
Vì những lý do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần có những sửa đổi cho phù hợp thực tế như quan điểm của cơ quan này đã lập luận ở trên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị định số 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Bộ Quốc phòng chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền tiến hành tổng kết đánh giá việc thi hành Nghị định. Kết quả cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, một số quy định của Nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với văn bản pháp luật mới ban hành, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn.
Và xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn triển khai, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 112/2014/NĐ-CP gồm 5 nội dung chính. Trong đó có những nội dung đáng quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân như: Sửa đổi trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam, các Luật về xuất nhập cảnh mới ban hành và không chồng chéo với trách nhiệm của lực lượng Hải quan theo quy định của Luật Hải quan năm 2014; Sửa đổi quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh; thực hiện hạn chế, tạm dừng qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam và văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh mới ban hành...