[Quốc tế nổi bật] Đề xuất luật ngăn Tổng thống rút Mỹ khỏi NATO

Nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng trình dự luật ngăn bất kỳ tổng thống nào rút Mỹ khỏi NATO mà không được Thượng viện đồng ý.

Nhóm thượng nghị sĩ đề xuất luật ngăn tổng thống rút Mỹ khỏi NATO

tổng thống rút Mỹ khỏi NATO Tổng thống Mỹ Joe Biden

Theo dự luật, Tổng thống Mỹ sẽ không được "đình chỉ, chấm dứt, tuyên bố bãi ước hay rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết tại Washington ngày 4/4/1949, trừ khi có sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện". Điều kiện là được 2/3 thượng nghị sĩ đồng tình. Các thượng nghị sĩ trình dự luật này trong bối cảnh các lãnh đạo NATO dự hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva.

Các nghị sĩ Mỹ đã nhiều lần đệ trình dự luật tương tự trong những năm gần đây, trong đó có thời gian cựu tổng thống Donald Trump tại nhiệm. Ông Trump từng muốn Mỹ rời NATO. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden là người ủng hộ mạnh mẽ NATO, ủng hộ việc mở rộng tổ chức này và hợp tác với các thành viên khác.

Ông Pita thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu thủ tướng

Pita Limjaroenrat Ứng cử viên của đảng Tiến bước - Pita Limjaroenrat phát biểu tại cuộc tranh luận ở Quốc hội Thái Lan trước cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng hôm 13/7.

Quốc hội Thái Lan chiều nay 13/7 đã bỏ phiếu bầu thủ tướng. Kết quả cho thấy, ứng viên duy nhất, lãnh đạo đảng Tiến bước, Pita Limjaroenrat chỉ giành được 324 phiếu thuận, 182 phiếu chống và 199 phiếu trắng.

Với kết quả này, ông Pita không đủ điều kiện để trở thành thủ tướng mới, người sẽ lãnh đạo Thái Lan 4 năm tới. Dự kiến quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu vòng hai vào tuần tới (ngày 19/7). Ông Pita, 42 tuổi, vẫn có thể tranh cử nếu được đề cử.

Hàn Quốc và Mỹ tập trận không quân sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa

han quoc tap tran Hàn Quốc và Mỹ tập trận không quân sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung không quân, với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ. JCS cho biết, Hàn Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu F-15K, trong khi Mỹ gửi các máy bay phản lực F-16 tham gia tập trận. Địa điểm tập trận không được nêu rõ.

Thông cáo báo chí của JCS nêu rõ trong cuộc tập trận này, Hàn Quốc và Mỹ đã tăng cường khả năng phối hợp hành động thông qua việc triển khai nhanh chóng khí tài quân sự của Mỹ với mục đích mở rộng răn đe một cách kịp thời.

G7 nhất trí đảm bảo an ninh cho Ukraine

G7 nhat tri dam bao an ninh Tổng thống Ukraine Zelensky và lãnh đạo các nước G7 ở Vilnius, Litva

Trong tuyên bố chung mới đưa ra, các nước gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh cùng với Liên minh châu Âu (EU) cho biết, cơ chế khung này bao gồm hỗ trợ trên nhiều khía cạnh, trong đó có các thiết bị quân sự tiên tiến hiện đại, công tác huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ trên không gian mạng.

Ngược lại, Ukraine sẽ cam kết cải thiện các biện pháp quản trị, trong đó có thông qua các biện pháp cải cách tư pháp, kinh tế và cải thiện tính minh bạch. Các nước khác ngoài G7 cũng có thể tham gia cơ chế khung này.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra tại Lítva.

Đức lần đầu thông qua chiến lược về Trung Quốc

Thủ tướng Đức Olaf Scholz Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Chính phủ Đức ngày 13/7 đã lần đầu tiên thông qua chiến lược riêng đối với Trung Quốc. Trong bản chiến lược, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh Đức không muốn tách mình khỏi Trung Quốc, nhưng đồng thời muốn đa dạng hóa thương mại và chuỗi cung ứng nhằm củng cố khả năng phục hồi của mình.

Bản chiến lược nêu rõ, việc tập trung vào một vài hoặc chỉ một quốc gia xuất xứ đối với các sản phẩm sơ cấp, trung gian và cuối cùng có thể dẫn đến sự phụ thuộc ở các lĩnh vực quan trọng.

Nga chưa nhận được đề xuất mới về Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 13/7 cho biết ông chưa nghe thấy bất kỳ đề xuất mới nào liên quan đến Thỏa thuận Ngũ cốc ở Biển Đen, vốn sẽ hết hạn vào tuần tới, tuy nhiên Moskva đang trao đổi với Ankara về các cách để đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Nga bất kể thỏa thuận nào được ký kết.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin gia hạn thỏa thuận trên để đổi lấy việc kết nối một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Nga đã dọa từ bỏ thỏa thuận này do các yêu cầu để đảm bảo vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng.

Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực duy trì các kênh liên lạc mở

Ông Antony Blinken (phải) và ông Vương Nghị Ông Antony Blinken (phải) và ông Vương Nghị

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Antony Blinken và ông Vương Nghị đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và xây dựng. Cuộc gặp này là một phần trong những nỗ lực liên tục của hai nước "nhằm duy trì các kênh thông tin liên lạc mở giữa hai bên... cũng như quản lý vấn đề cạnh tranh một cách có trách nhiệm thông qua việc giảm thiểu nguy cơ nhận thức sai và tính toán nhầm lẫn".