Hiện tại, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Sen Tài Thu là ông Trần Tuấn Anh (sinh năm 1990)...
Gần đây, thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu (Tập đoàn Sen Tài Thu) huy động vốn nhưng mất khả năng chi trả đang nóng lên từng ngày. Việc Tập đoàn này lập tức thay đổi ban lãnh đạo cũng khiến cho nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì không rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn tất cam kết.
ĐƯỜNG ĐI CỦA 1.021 TỶ ĐỒNG SẼ QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ
Thực ra, tình trạng huy động vốn qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh khá phổ biến trong thời gian qua. Đây là hình thức được pháp luật Việt Nam cho phép. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết của người dân, cũng như việc giám sát của cơ quan chức năng còn hạn chế nên thị trường đã sinh ra một loạt biến tướng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Cụ thể, doanh nghiệp lừa đảo thường mới thành lập, sử dụng các chiêu trò hô hào nhà đầu tư góp vốn vào các dự án không có thật để hưởng mức lãi “trên trời”. Ham lợi nhuận, nhiều người đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm, vay lãi ngân hàng, bán đất… để đầu tư và rồi ôm “trái đắng”.
Tình trạng trên được rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Thậm chí, các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương cũng đã liên tục phát đi cảnh báo tới nhà đầu tư. Nhờ đó, chiêu trò “huy động vốn để hưởng lãi suất cao” cũng được hạn chế phần nào.
Quay lại với vụ việc ở Tập đoàn Sen Tài Thu, như nhiều cơ quan báo chí đã phản ảnh thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam (Tập đoàn Sen Tài Thu) đã huy động vốn dưới hình thức chào bán cổ phần, cùng cam kết sẽ mua lại.
Lãi suất được tập đoàn này đưa ra để lôi kéo nhà đầu tư ở mức 12%/năm, một mức lãi suất không quá đột biến. Với danh tiếng của một chuỗi hệ thống Sen Tài Thu đã có uy tín trên thị trường, quá trình lịch sử hoạt động tới 31 năm liên tục, con số 463 nhà đầu tư tin tưởng rót 1.021 tỷ đồng là không lạ, mà còn có phần khiêm tốn so với các trường hợp tương tự.
Hiện tại, vẫn chưa thể kết luận đây là vụ việc lừa đảo hay không. Bởi lẽ, cơ quan cảnh sát điều tra mới bắt đầu làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu để thu thập hồ sơ và đưa ra kết luận chính thức.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể huy động vốn qua hình thức hợp đồng vay của tổ chức , cá nhân (gồm cả ngân hàng), hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh (BCC), phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu… Hình thức phát hành cổ phiếu huy động vốn có thể dành cho nhà đầu tư mới tham gia góp vốn để trở thành cổ đông của công ty.
Song, việc các nhà đầu tư tham gia góp vốn để mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu, trở thành cổ đông của tập đoàn này sẽ khiến cho câu chuyện xác định trách nhiệm pháp lý của tập đoàn và ban lãnh đạo sẽ vô cùng phức tạp.
Nguyên nhân do cam kết về việc mua lại cổ phần vốn là một điều khoản phổ biến trong giao dịch huy động vốn qua phương thức phát hành cổ phần và không vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, cổ đông có thể không thu được cổ tức như doanh nghiệp đã cam kết ban đầu do tình hình tài chính của doanh nghiệp không cho phép. Khi đó, xác định trách nhiệm pháp lý của lãnh đạo và doanh nghiệp đó có thể chỉ là trách nhiệm dân sự.
Nếu có căn cứ xác định vi phạm của người quản lý doanh nghiệp trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhằm tư lợi thì có thể bị xem xét dưới góc độ tội tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình (nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm này) chứ chưa chắc đã là lừa đảo chiếm đoạt tài sản với kịch khung phạt là tù chung thân.
Trong thông cáo mới nhất, tập đoàn này cho biết, việc gặp khó khăn về kinh tế là do “sự non trẻ trong cách vận hành kinh tế vĩ mô” và “ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Đồng thời, không nói thêm bất cứ thông tin gì về đường đi của nguồn tiền 1.021 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, tập đoàn huy động vốn nhưng không sử dụng số tiền huy động vào mục đích kinh doanh như đã cam kết mà sử dụng vào mục đích khác, thậm chí mục đích riêng của ban lãnh đạo công ty dẫn đến việc không thể chi trả tiền gốc và lãi từ đầu tư, góp vốn.
Nếu đúng như vậy, dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự được thể hiện khá rõ.
BAN LÃNH ĐẠO MỚI ÍT NHIỀU BỊ LIÊN ĐỚI
Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về hành vi lừa đảo này?
Vẫn phải giả định rằng trong trường hợp đây là vụ việc có hành vi lừa đảo, thì chắc chắn ban lãnh đạo cũ của Sen Tài Thu sẽ là người chịu trách nhiệm chính.
Còn đối với ông Trần Tuấn Anh, người được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Sen Tài Thu từ tháng 12/2022, thì còn phải để cơ quan điều tra xem xét kỹ hơn. Vì theo nguồn tin của phản ánh, việc huy động vốn của Sen Tài Thu kéo dài đến tháng 4/2023, tức trong thời gian ông Tuấn Anh làm Tổng giám đốc.
Nhìn chung, còn tồn tại những thắc mắc về việc có hay không ông Trần Tuấn Anh tham gia vào việc huy động vốn hay không hay chỉ là người thừa hành chính sách từ ban lãnh đạo cũ.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh trong vai trò người đại diện theo pháp luật hiện tại của Tập đoàn Sen Tài Thu không thể tránh khỏi trách nhiệm vì việc huy động vốn vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian ông Tuấn Anh làm người quản lý công ty.
Theo quy định pháp luật, tất cả các giao dịch và hoạt động nhân danh doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đấy là đối với cơ quan chức năng, song đối với nhà đầu tư, việc lấy lại vốn góp càng nhanh càng tốt mới là điều được mong mỏi nhất. Họ chỉ biết rằng họ ký kết với Tập đoàn Sen Tài Thu chứ không phải bất kỳ cá nhân nào hết. Do đó, khi tập đoàn còn hoạt động thì sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ cam kết với họ.
Bản thân Sen Tài Thu dường như cũng nhận thức rõ được điều này. Tập đoàn đã nhận trách nhiệm về mình để chi trả cho các nhà đầu tư.
Trong thông cáo gửi đến nhà đầu tư của Sen Tài Thu có ghi một dòng: “Sẽ có trách nhiệm lên phương án xử lý và thương thảo với quý vị lộ trình thực hiện liên quan tới các nghĩa vụ đã cam kết. Tập đoàn sẽ trực tiếp liên hệ và trao đổi thêm với quý đối tác, quý nhà đầu tư về các giải pháp cụ thể”.
Ông Trần Tuấn Anh, ngoài là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của Sen Tài Thu, còn là người đại diện của loạt các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Thí nghiệm và xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Anytime Việt Nam, Công ty TNHH Auto Trần Anh, Công ty TNHH Ẩm thực và dịch vụ Trần Anh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Thường Xuân.
Auto Trần Anh cũng mới chỉ thành lập tháng 8/2019, chuyên về bán buôn ô tô, cho thuê xe… có địa chỉ tại 136 Phạm Văn Đồng (sau đã chuyển địa chỉ về 217 Phạm Văn Đồng), vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau ngày thành lập, tháng 2/2020 công ty cập nhật tăng vốn điều lệ gấp 4 lần, lên 20 tỷ đồng. Công ty Anytime do ông Tuấn làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe ô tô.
Luật sư Đỗ Quang Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội