Bão Yagi sắp đổ bộ Bắc Bộ, nhiều tỉnh cấm biển và dừng bay

Bão số 3 Yagi gây ra mưa lớn ở nhiều tỉnh thành Bắc Bộ. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 21h ngày 6/9, bão số 3 Yagi ở vị trí ven biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh 320km về phía Đông Đông Nam. Với sức gió mạnh nhất cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và dự kiến đổ bộ vào khu vực Đông Bắc Bộ vào 19h ngày 7/9.

Trong 24-48 giờ tới, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có rủi ro thiên tai cấp 4, với gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa có rủi ro cấp 3. Từ đêm 6/9 đến 9/9, mưa lớn từ 100-350mm, có nơi trên 500mm, sẽ diễn ra ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở đất.

Trên biển, khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ có sóng lớn 2,0-4,0m, gió mạnh cấp 8-12. Đến 19h ngày 8/9, bão Yagi sẽ suy yếu và tan dần khi vào đất liền.

Bão Yagi đang được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm gần đây trên Biển Đông. Do đó, hôm nay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An đều đã cấm biển; 10 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học ngày 7/9; quân đội huy động hơn 450.000 người ứng phó với bão Yagi.

Hơn 51.000 tàu thuyền với gần 221.000 người đã được hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu bốn sân bay Cát Bi, Vân Đồn, Nội Bài, Thọ Xuân dừng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế trong ngày 7/9.

Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với 28 địa phương trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa bão.

Các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định đã thành lập các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân và các cơ sở y tế.

Các bệnh viện lớn ở Hà Nội, như Việt Đức và Bạch Mai, đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư và thiết bị để ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, kế hoạch phòng chống dịch sau bão cũng được triển khai.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh sơ tán người bệnh, chuyển thiết bị y tế đến nơi an toàn, và sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Các địa phương còn phải chủ động chuẩn bị hóa chất và vệ sinh môi trường sau bão, đề phòng các bệnh dịch phổ biến như tiêu chảy, đau mắt đỏ, và nước ăn chân.

Vào chiều 6/9, Hà Nội xuất hiện mưa giông lớn kéo dài 30 phút do ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão. Mưa xối xả đã khiến nhiều cây cối bị gãy đổ, đè lên các phương tiện giao thông, làm một người tử vong và bốn người bị thương.

 

Tin liên quan