Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bà không sở hữu 91,5% cổ phần SCB như cáo trạng nêu, mà chỉ sở hữu khoảng 4,9% cổ phần của SCB, còn lại là của người thân, bạn bè trong và ngoài nước…
Ngày 11/3, phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và các bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức khác tiếp tục phần xét hỏi.
Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối tại SCB (91,5% cổ phần) và chi phối, lũng đoạn toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.
Trả lời trước tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, trên thực tế, bản thân chỉ có hơn 4,9% cổ phần Ngân hàng SCB. Sau khi hợp nhất và yêu cầu phải có hơn 15% để mời công ty nước ngoài vào thì mới có cổ phần. Tổng cả gia đình chỉ có dưới 15% cổ phần, còn lại là của bạn bè ở nước ngoài nhờ đứng tên.
Chủ tọa dẫn cáo trạng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định bị cáo sở hữu 91,5% cổ phần của SCB. Việc bị cáo Lan nắm giữ dưới 5% cổ phần trên giấy, còn thực chất những người khác đứng tên cổ phần giúp bị cáo Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan giải thích khi được mời tham gia hợp nhất SCB từ 3 ngân hàng trước đó, bà được một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kêu gọi, nhờ đích danh bà đứng ra giúp đỡ để cứu ngân hàng khỏi phá sản nhằm không gây ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Ngoài ra, bị cáo Lan khai không biết những người đứng tên giúp và chỉ quản lý cổ phần theo yêu cầu.
Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng, không có công thức nào là phải biết Trương Mỹ Lan mới đứng tên giúp, những người đứng cổ phần, trong quá trình điều tra đều khẳng định đứng tên giúp Trương Mỹ Lan, còn các cổ đông nước ngoài có phải đứng tên cổ phần của bị cáo hay không, tòa sẽ đánh giá sau.
Chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo Lan về việc những ngày qua, các bị cáo, cựu nhân viên ngân hàng SCB đều khai và xác định tất cả mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Lan phủ nhận và cho rằng, các bị cáo khác khai không đúng.
Thanh Sơn