Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ ‘lỗ hổng’ trong đấu giá tài sản công

Phần lớn tài sản công được đấu giá là quyền sử dụng đất, tuy nhiên giá khởi điểm trong phiên đấu giá quy định tại văn bản hiện hành đang có vướng mắc. Thời gian qua có tình trạng vi phạm, thông đồng, dìm giá để trục lợi trong các phiên đấu giá, trong khi năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá còn hạn chế.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 15/8, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản làm thất thu ngân sách. Cùng với đó, phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Đấu giá còn xảy ra tình trạng ép giá hoặc thổi giá; năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá còn hạn chế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” nhưng không nhiều. Giai đoạn 2018 - 2022, cơ quan chức năng đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần hai tỷ đồng, một số trường hợp đấu giá viên phải chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử.

Dấu hiệu của các vụ thông đồng, trục lợi thường là việc đẩy lên quá cao hoặc quá thấp đến mức bất thường, bất hợp lý đối với tiền đặt trước. Cơ quan chức năng căn cứ vào các dấu hiệu này làm căn cứ xử lý. Đơn cử như vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua bị khởi tố vụ án hình sự vì số tiền đặt trước bị đẩy lên một cách bất hợp lý, theo ông Long.

Giá khởi điểm trong phiên đấu giá quy định tại văn bản hiện hành có vướng mắc. Phần lớn tài sản công được đấu giá là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên việc xác định giá khởi điểm không phải là công việc của Luật Đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức. Việc xác định giá khởi điểm như trong đấu giá quyền sử dụng đất phải xử lý theo pháp luật về đất đai.

Bộ trưởng Long cho biết thời gian tới Luật Đấu giá tài sản sẽ được sửa đổi theo hướng xác định rõ phạm vi điều chỉnh; theo nguyên tắc liệt kê đầy đủ các tài sản công cần phải đấu giá, cập nhật thuật ngữ, siết chặt một số quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Bộ cũng sẽ xây dựng biện pháp tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đến đấu giá trực tuyến. Trước đây, nhân sự một số ngành nghề chuyển ngang sang làm đấu giá viên được miễn hoặc giảm thời gian đào tạo hoặc bồi dưỡng, bây giờ tất cả phải được đào tạo và nắm được kỹ năng.

Bộ trưởng Long cho biết đấu giá trực tuyến là một hình thức tốt nhằm hạn chế phần nào được tình trạng thông đồng, dìm giá hoặc không công khai minh bạch trong đấu giá. Thời gian qua, một số tổ chức đấu giá tài sản tư đã có trang web và cách thức đấu giá trực tuyến.

Đấu giá trực tuyến tài sản công hiện nay mới bắt đầu bàn thảo. Vừa qua khi đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản cũng đã đưa ra quy định về hình thức đấu giá trực tuyến để chi tiết hóa và xây dựng một trang hoặc một cổng đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, khó khăn trong triển khai đấu giá trực tuyến tài sản công là về kinh phí, vấn đề quản lý đặt trong cơ chế tự chịu trách nhiệm và cơ chế quản lý thị trường. Bộ Tư pháp đang tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm tốt trên thế giới, xem xét một số mô hình vận hành của một số nước.

Tin liên quan