Botswana đạt được thoả thuận khai thác kim cương mới với tập đoàn De Beers

Theo thỏa thuận khai thác chung mới, chính phủ Botswana sẽ ngay lập tức nhận được 30% thị phần kim cương thô được khai thác, và tăng lên 50% trong vòng một thập kỷ tới …

Một quan chức chính phủ Botswana và giám đốc điều hành tập đoàn kim cương đa quốc gia De Beers đã ký các thỏa thuận tạm thời vào hôm 1/7 để tiếp tục mối quan hệ hợp tác khai thác kim cương kéo dài hàng thập kỷ giữa hai bên.

Chỉ vài phút trước thời hạn nửa đêm ngày 30/6, các bên đưa ra thông báo rằng sau nhiều năm đàm phán, họ cuối cùng đã có được sự đồng thuận về nguyên tắc gia hạn quan hệ đối tác. Các chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được thảo luận, nhưng nó sẽ giải quyết một trong những mối quan ngại lớn nhất của chính phủ Botswana, liên quan đến phần kim cương mà nước này nhận được trong liên doanh khai thác với De Beers.

Theo thỏa thuận cũ, Botswana chỉ nhận 25% số lượng kim cương thô được khai thác, trong khi De Beers nhận phần còn lại. Giờ đây, Botswana sẽ tăng lên 30% và sau đó là 50% trong vòng một thập kỷ, De Beers và các quan chức chính phủ cho biết.

Về phần mình, tập đoàn De Beers cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đồng ý đầu tư tới 825 triệu USD trong 10 năm tới để giúp phát triển nền kinh tế Botswana, bao gồm việc thành lập một học viện ở địa phương để đào tạo người dân về kỹ năng buôn bán kim cương.

Chính phủ Botswana, nhà sản xuất kim cương lớn thứ hai thế giới, đã ca ngợi các thỏa thuận này là một chiến thắng sâu rộng cho đất nước 2,4 triệu dân và sẽ cho phép quốc gia Nam Phi này đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn.

Trong phiên ký kết thoả thuận, bộ trưởng bộ khoáng sản và năng lượng Botswana Lefoko Fox Moagi chia sẻ: “Tôi xin khẳng định với sự phấn khích rằng đây là những thỏa thuận mang tính chuyển đổi. Những điều này đang nói lên nguyện vọng của người dân Botswana”.

Vào đầu năm nay, tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi, đã gây xôn xao dư luận khi có động thái công khai chỉ trích thỏa thuận lâu năm với De Beers, nói rằng đất nước của ông thực chất đang bị lừa.

Ông Masisi và các quan chức chính phủ kỳ vọng Botswana phải được nhận hơn 25% số kim cương thô và De Beers đầu tư một số tiền để giúp mở rộng các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp kim cương ở Botswana, bao gồm cắt và đánh bóng, chế tác đồ trang sức và bán lẻ.

Động thái của Botswana đã khuyến khích các quốc gia châu Phi khác theo đuổi các yêu cầu liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Đã có một lịch sử lâu đời về việc các quốc gia trên lục địa này đánh mất nguồn tài nguyên giàu có của mình vì trộm cắp, tham nhũng và quản lý yếu kém.

Kim cương Trụ sở tập đoàn De Beers tại Botswana

Khi được phỏng vấn sau lễ ký kết, ông Al Cook, giám đốc điều hành của Dee Beers khẳng định quan chức chính phủ Botswana đã nói rõ về sự cần thiết của De Beers trong việc đầu tư ra bên ngoài kim cương và vào nền kinh tế tri thức, đồng thời phát triển chuỗi giá trị kim cương và đặt người dân của đất nước lên hàng đầu. “Tôi tin rằng thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất sẽ làm được tất cả những điều đó”, ông Al Cook nói trong lễ ký kết.

Thoả thuận mới, liên quan đến cách thức phân bổ kim cương, đã được gia hạn đến năm 2033. Riêng giấy phép khai thác của De Beers được gia hạn đến năm 2054, mang lại cho công ty một số đảm bảo rằng họ sẽ có một tương lai lâu dài tại quốc gia này.

Bất chấp nhiều ý kiến trái chiều về một thỏa thuận công bằng hơn, ít ai có thể phủ nhận rằng kim cương đã biến đổi Botswana theo cách mà nhiều quốc gia châu Phi khác chỉ có thể ghen tị.

Năm 1966, năm mà De Beers lần đầu tiên phát hiện ra kim cương ở Botswana và đất nước này giành được độc lập từ Anh, Botswana là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, chỉ có khoảng 7,5 dặm đường trải nhựa. Giờ đây, Botswana được coi là một quốc gia có thu nhập trung bình cao, với cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và sản lượng kinh tế trên đầu người cao thứ sáu ở châu Phi, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Chỉ tính riêng năm ngoái, sự hợp tác với De Beers đã tạo ra doanh thu khoảng 2,8 tỷ USD cho Botswana.

Nhưng Ngân hàng Thế giới cũng xếp Botswana là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên hành tinh, và người dân Botswana cũng như các quan chức chính phủ đã nói rằng họ xứng đáng kiếm được nhiều tiền hơn từ những viên kim cương bị chôn vùi dưới chính đất của mình để giải quyết các tệ nạn xã hội đầy thách thức tại đất nước.

Tin liên quan