Cần hiểu đúng về mức thuế 46% Mỹ áp cho Việt Nam

Mức 46% không phải là thuế suất đánh vào các hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh.

Mức thuế 46% là gì?

Dư luận hai ngày qua "sục sôi" trước những thông tin Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam. Nhiều ý kiến dấy lên lo ngại mức thuế này sẽ đánh vào hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần bình tĩnh xem xét lại, mức "thuế đối ứng 46%" thực sự có ý nghĩa gì?

Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, đại học Fulbright Việt Nam, thuế suất đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 3/4 được tính bằng chênh lệch thương mại giữa hai nước, chia đôi và làm tròn lên (có một số tham số điều chỉnh nhưng hiện tại chúng được quy ra bằng 1).

Ví dụ, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ đạt 136,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 123,5 tỷ USD, chiếm 90,4%. Con số này chia đôi và làm tròn số lên sẽ là 46% - “thuế đối ứng” áp cho Việt Nam.

Cần có thêm thông tin để hiểu rõ hơn, uy nhiên, ông Du cho rằng, cần hiểu mức thuế 46% không phải là thuế suất đánh vào các hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Đây là con số phía Mỹ chỉ ra sự nghiêm trọng trong chênh lệch thương mại hai chiều giữa hai nước.

Và bước tiếp theo khi Mỹ công bố mức thuế này là các nước phải vào vòng đàm phán - điều ưa thích của ông Trump, nhằm đưa ra mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng xuất khẩu.

Mức thuế cụ thể đối với từng mặt hàng và mức chung đối với từng quốc gia như thế nào sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa hai bên và nhiều các vấn đề liên quan khác như tính chất của các mặt hàng, các ưu tiên và điều kiện của Mỹ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc chính quyền Trump áp thuế 46%, nghe có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng khi phân tích rõ, có thể thấy câu chuyện không quá "sốc" như tưởng tượng.

Đây là mức thuế đối ứng, tức có thể thay đổi tùy vào cách Việt Nam phản ứng và đàm phán. Hiện tại, Việt Nam đã có những động thái đầu tiên như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ để làm dịu tình hình và sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai.

Ông Thiên cho rằng, trước những thông tin này, phản ứng tiêu cực từ dư luận có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng dây chuyền, có thể có lợi hoặc bất lợi. Do đó, Việt Nam phải tính toán để có ứng xử phù hợp, không nên đánh đồng hay "hoảng loạn" theo kiểu tâm lý đám đông, tạo ra cú sốc không cần thiết.

Làm thế nào để đàm phán được mức thuế thấp?

Theo TS. Huỳnh Thế Du, động thái áp thuế đối ứng này của Mỹ nằm trong chiến lược nhằm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump. Có thể hiểu một cách đơn giản hơn là để dành lợi thế cho các công ty Mỹ khi kinh doanh với các nước khác.

Theo đó, Mỹ đang muốn chủ động đàm phán lại các mối quan hệ thương mại với các nước trên thế giới. Chính quyền Trump cho rằng, nước Mỹ đang bị bất lợi rất nhiều và các doanh nghiệp Mỹ có thể được nhiều hơn trong cuộc chơi toàn cầu.

Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đưa ra nhằm giúp nước này phát triển hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn mức thuế thấp, hai bên sẽ phải đàm phán cụ thể, rõ ràng, mức thuế đối với từng mặt hàng, một cuộc "mặc cả" sẽ diễn ra hết sức phức tạp.

Nhiều khả năng, theo ông Du, Việt Nam có thể sẽ phải nhập khẩu một số mặt hàng của Mỹ để đổi lại mức thuế suất hợp lý hơn. Đương nhiên, các mặt hàng nào quan trọng sẽ cần đàm phán trước và có sự ưu tiên hơn.

Trong đó, để thuận lợi hơn cho quá trình đàm phán này, Chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ các điều kiện, thu thập các thông tin cần thiết để đàm phán với phía Mỹ sao cho có lợi nhất cho Việt Nam.

Các cơ quan chức năng sẽ phải tìm hiểu các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thuộc nhóm chính sách nào liên quan. Với những mặt hàng này, chúng ta có thể đối ứng với mặt hàng nào của Mỹ để đưa ra bàn đàm phán, nhằm giúp cán cân thương mại không quá chênh lệch.

Ví dụ như Việt Nam có thể sẽ nhập khẩu cam của Mỹ để đổi lại những chính sách thuế ưu đãi hơn với tôm của Việt Nam xuất khẩu sang nước này.

Một điều cần lưu ý khác được ông Du đưa ra là con số thuế đối ứng 46% thuần tuý dựa vào công thức toán học. Nó không phản ánh những yếu tố khác, ví dụ như mức độ hài lòng/thiện cảm của cá nhân ông Trump và nội các của ông ấy đối với Việt Nam. Những yếu tố tưởng chừng rất nhỏ như vậy đôi khi lại có tác động đáng kể trong đàm phán.

Do vậy, phía Việt Nam cần tính đến cả các yếu tố làm "hài lòng" ông Trump như cẩn trọng trong việc quan hệ với các nước, xem xét đến các ưu đãi hơn đối với doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam... để có kết quả đàm phán tốt nhất.

"Quá trình này sẽ rất thách thức và cả bất lợi", ông Du nhận định và lo ngại rằng, trong trường hợp quá trình đàm phán không đạt được những kết quả như kỳ vọng, Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tác động rất nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Bởi lẽ, kinh ngạch xuất khẩu sang Mỹ đang chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam, khi con số này biến động giảm sẽ là một thách thức rất lớn với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.