Một vụ cháy thương tâm, 56 người chết và thảm hoạ đã được báo trước. Có rất nhiều vấn đề từ “thiếu hợp lý” đến “sai phạm” để tạo nên những cái bẫy lửa trong đô thị như vậy...
“Sai phạm” thì có lẽ phần nào đã rõ ràng, chủ đầu tư lách luật để nâng số tầng trái phép, lờ đi mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, đồng nghĩa với việc gia tăng mật độ dân số trái phép tại khu vực, tạo thêm gánh nặng lên hệ thống hạ tầng sẵn có.
Người xử lý vi phạm thì không biết đứng ở đâu khi để cho một công trình xây sai nằm cách trụ sở UBND chỉ 3-4 phút đi bộ song nhiều năm qua không bị xử lý.
Với một công trình sai chồng sai, quá tải về tầng cao, mật độ, hạ tầng, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy không được trang bị đầy đủ, thì việc thiết kế “thiếu hợp lý” chỉ còn là cú đẩy cuối cùng trên bờ vực.
Thực trạng xây dựng, bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội và đặc biệt là hình thái đô thị giữa Việt Nam và Nhật Bản vốn đã có rất nhiều điều khác biệt dẫn đến việc liệt kê những sự khác biệt vốn đã là điều không còn cần thiết. Câu hỏi đặt ra là ta có thể tham khảo được gì từ sự khác biệt đó để cải thiện khả năng phòng chống hoả hoạn cho các công trình xây dựng tại Việt Nam.
Bài viết sẽ chỉ cố gắng cung cấp những cách suy nghĩ rất cơ bản về thiết kế phòng chống hoả hoạn tại Nhật từ lượng kiến thức ít ỏi của người viết, với hy vọng nó sẽ phần nào có thể giúp cho những người đã, đang, và sẽ xây nhà có thể chuẩn bị, trang bị và phòng bị tốt hơn cho ngôi nhà của mình.
LUẬT PHÁP - CHẠY RA, CHẠY VÀO ĐỀU PHẢI THUẬN TIỆN
Có 2 bộ luật chính mà người thiết kế phải lưu tâm khi thiết kế bất kỳ công trình nào tại Nhật, đó là Luật Kiến Trúc và Luật Phòng Hoả
Có những quy định đôi khi trùng lặp và gây khó hiểu giữa 2 bộ luật. Nhưng về cơ bản, Luật Kiến Trúc đưa ra những quy định là để “đảm bảo cho người sinh sống có thể thoát hiểm an toàn”, còn Luật Phòng Hoả đưa ra những quy định là để “đảm bảo đội cứu hộ có thể thực hiện việc cứu hộ một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất”.
Theo đó, một công trình phải có thiết kế đáp ứng thuận tiện cho cả 2 việc: chạy ra (của người dân) và chạy vào (của lực lượng cứu hộ), thiếu một trong hai, công trình sẽ không thể được phê duyệt.
Công cụ để hỗ trợ cho việc chạy ra chạy vào này chính là việc bố trí các yếu tố hỗ trợ thoát hiểm và cứu nạn trong không gian mặt bằng, vị trí thang thoát hiểm cho người sinh sống, vị trí xâm nhập toà nhà cho đội cứu hộ, hệ thống thiết bị hỗ trợ quá trình này như đèn dẫn hướng, thiết bị xử lý cháy tự động, thiết bị xử lý cháy sơ kỳ và hậu kỳ etc…
PHÒNG CHÁY VÀ CHỊU CHÁY - BẢO VỆ MÌNH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI
Khi xảy ra cháy ở một công trình, “phòng cháy” là khả năng ngăn không cho ngọn lửa lan sang các công trình xung quanh. “Chịu cháy” là khả năng tự đứng vững, không sụp đổ trong một khoảng thời nhất định của công trình để người sinh sống có đủ thời gian thoát hiểm.
Về cơ bản, một công trình dù ở Nhật hay ở bất kỳ đâu luôn có 2 tính năng này dựa trên vật liệu và kết cấu của công trình. Dựa vào quy mô, phân vùng chức năng trong đô thị mà khả năng chịu cháy của một công trình được quy định. Ví dụ, ở phân vùng A, diện tích B, số tầng C thì kết cấu phải có tính năng chịu cháy D.
Đồng thời dựa vào khoảng cách tới các công trình xung quanh mà tính năng phòng cháy được quy định. Điển hình như hai công trình nằm trong phạm vi có khả năng cháy lan sang nhau là X thì phần tường ngoài, các ô cửa đi và cửa sổ bắt buộc phải sử dụng các vật liệu đạt tính năng chống cháy Y.
Với môi trường đô thị kết hợp hỗn hợp giữa nhiều loại kết cấu gỗ, thép, beton cốt thép như tại Nhật, những quy định cụ thể về tính năng chịu cháy và phòng cháy của từng loại kết cấu là rất cần thiết để giảm thiểu hậu quả cho “bản thân” và “những người xung quanh” khi xảy ra cháy.
Còn tại Việt Nam, có một sự may mắn là đa số các công trình trong đô thị đều được xây theo kết cấu khung beton cốt thép chịu lực và tường gạch – vốn dĩ đã đảm bảo một mức độ cao về khả năng “chịu cháy” và “phòng cháy”.
VÁCH NGĂN - CHIA ĐỂ TRỊ
Khi xảy ra cháy, lửa và khói từ đám cháy sẽ di chuyển theo hai phương: phương ngang và phương thẳng đứng. Do vậy bài toán ở đây là ngăn lửa, ngăn khói di chuyển theo cả 2 chiều, đồng thời đảm bảo cho lối thoát hiểm không bị khói tràn vào.
Để giải bài toán này, tuỳ vào quy mô công trình, người ta sử dụng vách ngăn và các thiết bị có khả năng chống cháy, chống khói để phân vùng dựa theo 4 dạng không gian chính trong công trình.
Thứ nhất, vách ngăn phân chia theo diện tích. Nếu diện tích sàn vượt quá một con số quy định, công trình sẽ phải lắp đặt vách ngăn giữa 2 khu vực để đảm bảo khi xảy ra cháy ở khu vực A, người của khu vực A có thể chạy sang khu vực B để lánh nạn và ngược lại.
Thứ hai, vách ngăn phân chia theo tầng cao. Cụ thể là từ tầng 11 trở lên, khi việc cứu hộ trở nên khó khăn hơn, số lượng vách ngăn sẽ gia tăng để đảm bảo an toàn cho người sinh sống.
Thứ ba, vách ngăn các lỗ rỗng. Trong công trình, có rất nhiều những lỗ rỗng như buồng cầu thang, thông tầng, buồng thang máy, khu vực kết nối ống thiết bị giữa các tầng etc. Vách ngăn cần được thiết lập tại các khu vực này để ngăn không cho khói tràn vào và đi ra khỏi các lỗ rỗng này tới nơi người sinh sống.
Thứ tư, vách ngăn giữa các vùng có công năng khác nhau. Tuỳ vào quy mô công trình mà 2 vùng không gian có công năng khác nhau (ví dụ buôn bán và sinh hoạt) sẽ phải lắp đặt vách ngăn, cách nghĩ ở đây là các phân vùng có đặc thù hoạt động khác nhau, nguy cơ xảy ra cháy cũng sẽ khác nhau, nên phải được ngăn cách để đảm bảo an toàn.
Khi đám cháy xảy ra, tất cả các vách ngăn được kích hoạt và ngay lập tức cô lập đám cháy ở phân vùng mà nó xảy ra, tạo điều kiện cho người sinh sống có thể thoát hiểm thuận lợi, đồng thời giảm thiểu thiệt hại mà lửa gây ra cho các phân vùng xung quanh.
Cách nghĩ “chia để trị này” chưa được áp dụng nhiều tại Việt Nam, một phần vì chưa có quy chế bắt buộc, chủ đầu tư thì đương nhiên không muốn tốn thêm tiền, còn kiến trúc sư cũng không mặn mà với những yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến “design” của mình.
TÍNH NĂNG VẬT LIỆU - GIẢM THIỂU NGUỒN CUNG CHO LỬA
Tất cả các công trình có nhiều loại người sử dụng (hỗn hợp nhiều tầng lớp và lứa tuổi) và công trình nhà ở tập thể có quy mô nhất định, thì vật liệu nội thất tường và trần đều phải có tính năng chịu cháy, chống cháy ứng theo quy mô của công trình đó (sàn không phải là đối tượng chịu quy định này với cách suy nghĩ ngọn lửa bốc lên phía trên).
Một ngọn lửa có thể được duy trì dựa vào 3 yếu tố: Oxygen, nhiệt độ, và nguyên liệu cung cấp cho đám cháy.
Vì vậy, bằng cách sử dụng các loại vật liệu khó cháy, không cháy, nguyên liệu cho ngọn lửa bị giảm bớt, đám cháy sẽ lan chậm hơn. Do đó đảm bảo được việc thoát hiểm của người sinh sống diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Thông thường, quy định về vật liệu ở ngoài hành lang, nơi mọi người tập trung di chuyển thoát hiểm sẽ khắt khe hơn quy định dành cho vật liệu trong mỗi căn hộ.
HAI LỐI THOÁT HIỂM - KỊCH BẢN CHÁY VÀ PHƯƠNG ÁN DỰ PHÒNG
Một công trình có diện tích sàn vượt một con số nhất định, bắt buộc phải bố trí 2 lối thoát hiểm trong công trình. Hai lối thoát này phải được đặt ở các hướng khác nhau, nếu phải đi gần như cùng một tuyến đường để đến hai vị trí này, thì đó không được coi là hai lối thoát hiểm.
Với những công trình nhà ở tập thể, vì nơi xuất phát cháy có thể là từ bên trong căn hộ nên có thể bố trí các thiết bị thoát hiểm ngoài ban công để tạo thành lối thoát hiểm thứ 2 ngoài lối cửa chính.
Thiết kế kiến trúc, không gian bên trong cũng đồng nghĩa với thiết kế thoát hiểm, ta cần phải có kịch bản cháy và phương án thoát hiểm bên trong công trình, những thứ có thể sử dụng, những lối có thể đi, và phương án dự phòng trong trường hợp kế hoạch ban đầu phá sản.
Thị trường dành cho các loại sản phẩm thoát hiểm tại Việt Nam chưa lớn nên chưa có nhiều sự lựa chọn cho chủ đầu tư và nhà thầu. Hy vọng với việc thắt chặt các quy định về phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới, các loại sản phẩm thoát hiểm dành cho bối cảnh đô thị Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Cho tới thời điểm đó, việc chuẩn bị hiệu quả nhất để đối phó với hoả hoạn vẫn là việc chủ đầu tư và kiến trúc sư ngồi lại với nhau để lên kế hoạch thoát hiểm cho công trình.
Ở bài tiếp theo Thương gia sẽ tìm hiểu cụ thể hơn những quy định của việc chạy ra – chạy vào, đồng thời những trang thiết bị hỗ trợ cho việc thoát hiểm này.