Cú bẻ lái của thị trường lao động

Dịch bệnh và sự phát triển của công nghệ đang khiến thị trường lao động rẽ sang một hướng đi mới. Hướng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhân tài ở khắp mọi nơi trên thế giới...
lao động
Công nghệ khiến xu hướng thị trường lao động thay đổi

Những thay đổi của thị trường lao động sẽ mở ra cơ hội gia tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mở ra cơ hội cho phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhân tài ở khắp mọi nơi trên thế giới và ngược lại người lao động cũng có thêm lựa chọn việc làm bất kể vị trí địa lý. Quan trọng hơn, những xu hướng này cũng nhắc nhở doanh nghiệp và người lao động cần có tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai.

Đại dịch đã thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường lao động toàn thế giới. Từ thay đổi về cung cầu đến cách người lao động làm việc, sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong vỏn vẹn vài năm khiến thị trường lao động khác hoàn toàn so với trước đại dịch.

Tiếp theo đó là sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo) cũng gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường lao động. Và còn nhiều xu hướng đã, đang và sẽ khiến thị trường lao động chuyển mình như xu hướng đầu tư vào chuyển dịch sang mô hình bền vững, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn ESG phổ biến hơn, xu hướng địa phương hóa chuỗi cung ứng, xu hướng dân số già đi ở các thị trường đã phát triển và thị trường mới nổi, xu hướng thắt chặt quy định về quản lý sử dụng dữ liệu cũng như công nghệ…

Tất cả những xu hướng này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong tương lai, đòi hỏi chúng ta phải quan sát thật kỹ các biến động để phán đoán diễn biến tiếp theo và sẵn sàng cho các làn sóng thay đổi mới. Điều đó quan trọng và cần thiết không chỉ với nhà tuyển dụng mà cả với người lao động.

NHU CẦU LAO ĐỘNG TRONG TƯƠNG LAI

Trên thế giới, mùa xuân năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh chưa từng thấy về số lượng việc làm. Sau đó, hầu hết các nền kinh tế đều phục hồi mạnh mẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công chưa từng thấy trong lịch sử. Kết quả là lương tăng vọt, cung ứng lao động thiếu hụt và số lượng việc cần người không giảm đi. Đó là những nét khắc họa thị trường lao động trong giai đoạn 2022-2023.

Tại Việt Nam, tình hình lao động việc làm giai đoạn này cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Không chỉ vậy, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động năm 2022 khởi sắc hơn. Ngay cả khi bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, khó khăn trong nửa đầu năm 2023, số lượng lao động có việc làm tăng 902.000 người so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,12 điểm phần trăm.

HSBC dự báo hầu hết các thị trường lao động khắp thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong năm 2023-2024. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trong năm năm tới, 83 triệu việc làm có thể mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời, 69 triệu việc làm mới được tạo ra.

Điều đó đồng nghĩa với 2% sụt giảm trên thị trường lao động, tương đương với 14 triệu việc làm. Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai bao gồm chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính…

Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất bao gồm nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký...

Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này khá đa dạng. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến xu hướng dịch chuyển kinh doanh theo hướng xanh hơn, bền vững hơn được dự báo sẽ khiến các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều vị trí mới. Xu hướng các chuỗi cung ứng được sắp xếp, phân bổ lại cũng góp phần tạo thêm việc làm trong những năm tới đây.

screen-shot-2023-08-17-at-145220-1088.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp giảm số lượng nhân công trong tương lai. Diễn biến của xu hướng này thể hiện ngay tại Việt Nam trong quý 2/2023. Thực trạng đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong đều giảm so với quý trước lần lượt là 142.500 người, 16.900 người và 30.200 người.

Du lịch phục hồi kéo theo sự phục hồi trong các ngành dịch vụ, đồng thời, cơ cấu lao động cũng chứng kiến sự chuyển dịch mạnh từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,7% và tăng 349.000 người so với quý trước.

CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY ĐỦ MẶT

Sự quan tâm dành cho AI tăng vọt trong năm 2023 là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Điển hình nhất phải kể đến xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân, robot được dự báo sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn.

Xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do những thay đổi trong đại dịch như quy trình tự động hóa rẻ hơn, phổ biến hơn, giảm giao tiếp trực tiếp giữa người với người…

Xu hướng tự động hóa có thể là yếu tố cản trở tiến trình lạm phát lương, khi mức lương chạm đến một ngưỡng nhất định và chi phí cho quy trình tự động lại rẻ hơn thì doanh nghiệp đương nhiên chọn giải pháp tự động hóa. Qua đó có thể thấy tiến bộ công nghệ sẽ tác động đến sự cân bằng cung-cầu lao động.

Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính "máy móc thay thế con người" và khiến chúng ta mất việc.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới. Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Câu hỏi lúc này đặt ra là liệu doanh nghiệp tuyển được người với kỹ năng phù hợp để đáp ứng các nhu cầu mới này hay không? Để giải đáp câu hỏi này, ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã có chương trình đào tạo, phát triển người lao động để đón đầu xu thế.

PHONG CÁCH LÀM VIỆC TRONG TƯƠNG LAI

Một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, đại dịch như một yếu tố tác động mạnh mẽ đến cách chúng ta làm việc trong và sau đại dịch. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang chứng kiến tỷ lệ trở lại văn phòng tăng lên. Đặc biệt ở châu Á, tỷ lệ này tăng lên gần tương đương với mức trước đại dịch.

Trái lại, tỷ lệ trở lại văn phòng bình quân ở châu Âu giảm 20% còn ở Mỹ tỷ lệ trở lại văn phòng của một số thành phố đã vượt ngưỡng -50%, thậm chí như San Francisco gần chạm mức -60%.

Mặc dù vậy, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghệ, đang nỗ lực kéo người lao động trở lại văn phòng. Chẳng hạn như Google vừa mới cập nhật lại chính sách làm việc, đưa việc có mặt tại văn phòng 3 ngày/tuần vào trong tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc và đề nghị các lao động đang hoàn toàn làm việc từ xa cân nhắc trở lại văn phòng.

Tương tự, Apple cũng đưa ra thông báo rằng công ty kỳ vọng nhân viên phải có mặt trên văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần bởi họ tin "sự hợp tác trực tiếp là cần thiết cho văn hóa của công ty và tương lai của công ty.

630e2da858d72-2418.jpeg

Không thể phủ nhận, đưa người lao động trở lại văn phòng mang lại một số lợi ích nhất định. Một nghiên cứu trên Nature từ Melanie Brucks & Jonathan Levav cho thấy các cuộc họp trực tiếp dẫn tới 15% gia tăng sáng tạo. Các hoạt động gắn kết cũng sẽ hiệu quả hơn khi được tổ chức trực tiếp thay vì qua các nền tảng trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy chế độ làm việc hybrid mang đến kết quả tốt hơn so với buộc người lao động làm cố định một nơi. Một nghiên cứu từ các nhà kinh tế học tại Đại học Stanford dựa trên việc đo lường năng suất lao động tại doanh nghiệp cho thấy chế độ làm việc hybrid không ảnh hưởng đến năng suất so với chế độ làm việc toàn thời gian trên văn phòng.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức độ hài lòng của nhân viên và tỷ lệ giữ chân nhân tài còn cải thiện tích cực bởi người lao động có thể giảm thời gian di chuyển đi làm/về nhà, tập trung hoàn thành công việc trong khi vẫn sắp xếp việc riêng hợp lý.

Tất cả những điều này cho thấy không có một công thức chung cho mọi doanh nghiệp, mọi loại công việc và lựa chọn mỗi người một khác. Có những công việc chúng ta sẽ làm tốt hơn khi ở nhà, không bị môi trường ồn ào xung quanh làm ảnh hưởng chẳng hạn như làm báo cáo, phân tích dữ liệu....

Có những công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, cùng thảo luận và đóng góp ý kiến như tổ chức sự kiện. Có những công việc bắt buộc phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người như chăm sóc y tế. Có người đi làm mất hơn 1 tiếng đồng hồ, người khác lại thuê trọ ngay gần công ty.

Vậy thì giải pháp nào để hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động?

Nick Bloom, Giáo sư Kinh tế của Đại học Stanford khuyến cáo các công ty nên tìm ra số ngày người lao động thật sự cần có mặt trên văn phòng và hướng đến con số đó thôi, không hơn không kém, cần thống kê nhân viên mỗi bộ phận cần gặp trực tiếp bao lâu cho các cuộc họp, các chương trình đào tạo, sự kiện, ăn trưa và gặp khách hàng, còn lại thì có thể làm việc ở nhà.

Bên cạnh đó, linh hoạt trong công việc không chỉ thể hiện qua địa điểm làm việc, đó còn là sự linh hoạt về thời gian làm việc. Chính sách của Tập đoàn HSBC cho phép người lao động trao đổi và sắp xếp giờ làm việc với cấp trên trực tiếp. Khi quyết định về sự linh hoạt trong công việc của nhân viên, chúng tôi chú trọng vào ba tiêu chí: làm sao để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng, không ảnh hưởng đến sự gắn kết trong nội bộ đội ngũ và phù hợp hoàn cảnh riêng của mỗi nhân viên.