Thủ tướng cho biết, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề cập rằng, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Theo báo cáo của công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng tới 11% trong năm 2022, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD
Về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022. Cụ thể, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29%, năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21%, thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11%.
Sự gia tăng lớn về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc quốc gia này đang ngày càng được nhận định là một nơi an toàn và ổn định để đầu tư khi mà nhiều nhà sản xuất tìm cách điều chuyển các hoạt động ở Châu Á để tới Việt Nam.
Nghiên cứu mới của Brand Finance không phải là định giá tổng hợp các thương hiệu của Việt Nam mà là định giá thương hiệu của chính quốc gia Việt Nam. Do vậy, Việt Nam đạt điểm đặc biệt cao về xếp hạng nông nghiệp, mức độ tương tác trên mạng xã hội và phản ứng của quốc gia đối với Covid - 19. Mỗi yếu tố đóng một vai trò động lực thiết yếu giúp tăng giá trị thương hiệu của quốc gia.
Báo cáo cho rằng Việt Nam đã chứng kiến mức tăng giá trị thương hiệu cao thứ ba trong thời gian đại dịch xét về số hạng tuyệt đối - tăng từ 184 tỷ USD lên tới 431 tỷ USD vào năm 2022, nhưng đạt mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới về mặt giá trị tương đối, tăng 74% so với năm 2019.
Việt Nam đã đạt được đà tăng trưởng và được biết đến như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công cũng như đầu tư vào vốn con người.
Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết, cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý 3đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.
Còn giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.