Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là xu hướng, và đường sắt đô thị là cần thiết...
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội
Thông tin trên được đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn Hà Nội nêu lên trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 31/5 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, ông Thường cho biết, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) này đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như một một giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hạ tầng… Ở nước ta cũng đã có định hướng chỉ đạo để phát triển vấn đề này.
Bên cạnh những lợi ích mà TOD mang lại như giảm ủn tắc giao thông, tăng số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng chỉ rõ một số hạn chế như triển khai dự án theo mô hình TOD luôn có rủi ro, thách thức.
Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian qua cho thấy khá nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhìn nhận.
Do vậy, đại biểu đề nghị việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, phát triển đô thị bền vững, kết hợp với vai trò chủ đạo của Nhà nước, với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt hiện nay là rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết những bài toán khó giao thông đô thị cho thành phố. Khi áp dúng mô hình này, đại biểu cho rằng cần nhận diện một số vấn đề nhận thức như về chiến lược, về hành lang pháp lý, về định hướng chiến lược, quy hoạch và về cơ chế chính sách.
Về một số định hướng đề xuất cần phát triển thời gian tới, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình TOD trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… để đảm bảo tính đồng bộ.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, định hướng phát triển TOD phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, cho phép thí điểm loại hình này tại một số thành phố, trước mắt là một số tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM, vừa làm vừa tổng kết để rút kinh nghiệm, hoàn thiện chiến lược phát triển hiệu quả và lâu dài.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”.
Theo đó, Chính phủ đồng ý điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án tuyến đương sắt Nhổn - ga Hà Nội đến năm 2027. Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng.