Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty Golden Gate.
Golden Gate bị phạt tiền 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Golden Gate báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn các tài liệu sau: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021; Báo cáo tình hình quản trị công ty (QTCT) 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tình hình QTCT năm 2021).
Ngoài ra, Golden Gate còn bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông.
Trước đó vào năm 2018, Golden Gate cho vay dài hạn đối với Công ty CP Golden Gate Partner là cổ đông của công ty với số tiền là 29,1 tỷ đồng.
Theo BCTC năm 2021 đã kiểm toán, đến thời điểm 31/12/2021, số dư khoản phải thu về cho vay dài hạn đối với Công ty CP Golden Gate Partner là 14,7 tỷ đồng.
Như vậy, Golden Gate bị UBCKNN xử phạt tổng cộng 195 triệu đồng.
Golden Gate liên tục kinh doanh thua lỗ
Đây không phải là lần đầu Golden Gate bị phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Mới đây nhất, hồi tháng 7/2022, Golden Gate vừa bị UBCKNN phạt tổng cộng 435 triệu đồng - trong đó, phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Golden Gate còn bị phạt 85 triệu đồng do công ty mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật. Cụ thể: trong năm 2021, công ty đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định.
Quảng cáo
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với công ty là buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Một trong số những chuỗi nhà hàng của Golden Gate.
Trước đó, tháng 6/2017, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phạt công ty này 50 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Tháng 4/2019, Golden Gate bị phạt 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Đầu năm 2021, công ty bị phạt 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định pháp luật. Cụ thể, từ tháng 5/2019 đến tháng 11/2020, Golden Gate đã thực hiện mua lại 68.158 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Được biết, Golden Gate - đơn vị vận hành hàng loạt chuỗi nhà hàng nổi tiếng như lẩu Manwah, Cowboy’s Jacks, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Vuvuzela, Gogi,... đã phải đóng hàng loạt nhà hàng vào năm 2021 do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội. Đến nay vẫn có một số nhà hàng chưa thể mở cửa trở lại.
Theo Báo cáo tài chính năm 2021, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ các nhà hàng trong chuỗi hệ thống Golden Gate đạt 3.317 tỷ đồng, chỉ bằng 73% năm 2020. Giá vốn hàng bán cũng giảm tương ứng nên lợi nhuận gộp của Golden Gate đạt 1.926 tỷ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp còn 58,1% so với 59,5% năm 2020.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nhẹ 1,7 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng gấp đôi từ 20,6 tỷ đồng lên hơn 44 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng mạnh là do công ty phát hành 488,6 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, bảo đảm bằng 573.372 cổ phần của công ty thuộc sở hữu của CTCP Golden Gate Partners.
Dù các chi phí tiết giảm với mức thấp hơn, công ty lỗ sau thuế cả năm hơn 430 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.
Tại thời điểm 31/12/2021, Golden Gate có tổng tài sản 2.387 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục hàng tồn kho gần 650 tỷ, tăng hơn 50% và chiếm khoảng 27% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, dư nợ vay ngắn hạn của Golden Gate hơn 529 tỷ đồng và vay dài hạn là 546 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của Golden Gate chiếm khoảng 45% tổng nguồn vốn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dòng tiền từ thuần từ họa động kinh doanh của Golden Gate ghi nhận âm hơn 564 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 247 tỷ đồng.