UBND TP Hà Nội đang giao Sở GTVT Hà Nội cùng phối hợp với các đơn vị xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành GTVT.
Theo Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe bus thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe bus, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Là đơn vị được giao tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng xe bus điện, năng lượng xanh trên địa bàn, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện nay, đơn vị này đang vận hành 83 tuyến bus đấu thầu và 1 tuyến bus BRT đặt hàng với tổng số phương tiện gần 1.100 xe.
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết, từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty đã tập trung đầu tư gần 600 xe bus mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe chiếm trên 73% tổng số phương tiện.
Xét theo công bố của một số nhà sản xuất, pin của xe bus điện có thể chạy từ 250 - 300 km/1 lần sạc. Các tuyến xe bus điện đang thí điểm tại Hà Nội hiện nay có tổng quãng đường chạy là 230 - 240 km/xe/ngày.
Tuy nhiên, đối với các tuyến xe bus Tổng công ty đang vận hành đa số có năng suất 250 - 300 km/xe/ngày và có nhiều tuyến trên 300 km/xe/ngày.
Quảng cáo
Do vậy, dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe bus điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có của Tổng công ty.
Để có thể đưa các tuyến này chuyển sang xe bus điện và việc đầu tư thay thay thế phù hợp lộ trình đầu tư thay thể chuyển sang xe bus điện tại Chương trình hành động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi đấu thầu lại các tuyến này, hồ sơ mời thầu và hợp đồng cần bao gồm cả định mức, đơn giá cho cả chủng loại xe bus diesel và xe bus điện và cho phép thay thế xe bus diesel bằng xe bus điện khi xe bus diesel hết 10 năm khai thác theo quy định về khấu hao của Thành phố.
Với các tuyến còn lại, Transerco cho biết, cần phải được xem xét kỹ hoặc đến thời điểm đó, nhà sản xuất nâng được tổng số km xe chạy cho một lần sạc, phù hợp với quãng đường đi lại của các tuyến đó". Cụ thể là 21 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe từ 260 - 300 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 224, chiếm 20,5% đoàn phương tiện); 29 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe từ 300 - 400 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 259 xe, chiếm 23,7% đoàn phương tiện); 15 tuyến và nhánh tuyến có năng suất ngày xe trên 400 km/xe/ngày ( tổng số xe vận doanh là 161 xe, chiếm 14,8% đoàn phương tiện).
Riêng 3 tuyến sử dụng xe bus nhỏ (23, 84, 99), Transerco đề xuất chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe bus điện do thị trường hiện nay chưa có xe bus điện loại nhỏ.
Về tuyến BRT, lãnh đạo Transerco cho hay xe trên tuyến thuộc tài sản của dự án tuyến xe bus nhanh BRT, chưa giao vốn về Tổng công ty và dự án đang trong giai đoạn quyết toán. Bên cạnh đó, thị trường cũng chưa có loại xe bus nhanh BRT sử dụng điện. Tổng công ty chưa đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe bus điện.
Bên cạnh đó, có một số tuyến sẽ thay thế phương tiện mới từ 1-2 nằm ngay trước năm đấu thầu lại vào năm 2025. Nếu chuyển ngay sang xe bus điện thay thế các phương tiện vẫn còn thời gian khấu hao xe theo quy định của Thành phố khi đấu thầu lại mà không có phương án khai thác tiếp số phương tiện này sẽ là lãng phí.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng đề xuất Thành phố và Sở GTVT xem xét chỉ đạo phương án xử lý đối với số phương tiện thay ra có thời gian sử dụng dưới 10 năm để các đơn vị vận tải thu hồi vốn đầu tư.