Hà Nội: Nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà hát

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát theo mô hình đầu tư công, quản trị tư

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 853-TB/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Hà Nội sẽ tiến tới thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát.

nha-hat2.jpgNhà hát Lớn Hà Nội.

Tổ chức sự kiện phố đi bộ thành thường niên

Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình của Sở Văn hóa và Thể thao (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Chỉ đạo Chương trình từ thành phố tới cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện chương trình đạt kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch còn chậm, chất lượng một số nghị quyết chưa cao; các kế hoạch, đề án liên quan đến chuyển đổi số chưa được triển khai; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong một số việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp lên danh mục các sự kiện văn hóa cấp thành phố, quốc gia; tổ chức sự kiện tại phố đi bộ, tiến tới tổ chức thành sự kiện thường niên.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Thành đoàn Hà Nội nghiên cứu, khôi phục lại liên hoan nhóm nhạc, ban nhạc sinh viên, đăng ký tổ chức thường niên tại phố đi bộ, tiến tới xã hội hóa các hoạt động văn hóa của thanh niên, sinh viên.

Đặc biệt, giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, đánh giá việc xây dựng các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện chương trình và khẩn trương hoàn thiện trình thành phố ban hành, trong đó lưu ý rà soát, đề xuất bổ sung những vấn đề mới hoặc đưa ra khỏi chương trình những nội dung không còn phù hợp.

Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, các quận, huyện, thị ủy tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ thực hiện chương trình và kế hoạch của UBND TP; Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá tình thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050.

nha-hat.jpgẢnh minh họa.

Nâng cao hiệu quả của các nhà hát

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá thực trạng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở để sắp tới phân cấp, ủy quyền, tổ chức bộ máy, tiến tới thực hiện mô hình đầu tư công, quản trị tư nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát; tham mưu chính thức địa điểm rạp cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long để có nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân;

Xây dựng dự thảo kế hoạch đăng cai mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó, nghiên cứu, bổ sung một số hoạt động như: Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng, lễ hội làng nghề quốc tế, thi dân vũ thể thao, hoạt động nghệ thuật đường phố...

Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND thành phố làm việc với các sở, ngành có đề án, kế hoạch số hóa liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để triển khai thực hiện, góp phần nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố.

Giao Sở Du lịch chủ động tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy những nội dung thuộc thẩm quyền để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch, trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” được Thành uỷ Hà Nội ban hành năm 2021. Theo đó, đối với phát triển văn hóa, Thành phố Hà Nội xác định tập trung vào 8 nội dung chính, đó là: Xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá nghệ thuật; bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển du lịch; phát triển thông tin truyền thông; phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; hội nhập quốc tế.

Sau hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 853-TB/TU về kết luận luận của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU. Theo đó các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn sẽ quyết liệt triển khai phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy về dự án Bảo tàng Hà Nội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiện nay, theo khảo sát, hoạt động marketing của các nhà hát trên địa bàn Hà Nội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều nhà hát đã phát triển trang web, kết hợp với mạng xã hội, facebook, email, diễn đàn, hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, hoạt động của hầu hết các nhà hát vẫn chưa hiệu quả, thu hút được công chúng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà hát, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ vi mô đến vĩ mô, thúc đẩy xã hội hóa sân khấu và xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo quy hoạch chung đang thực hiện, các đoàn nghệ thuật của Hà Nội hiện nay đều có rạp để tập luyện và biểu diễn, phù hợp với đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật. Cụ thể như: Nhà hát Chèo có rạp tại 15 Nguyễn Đình Chiểu (từ tháng 10 tới sẽ có rạp Đại Nam); Nhà hát Kịch Hà Nội từ tháng 10 tới sẽ có rạp Công nhân; Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã có dự án xây dựng nhà hát hiện đại tại khu vực phía Tây Tây Hồ, nhà hát tại 31 Lương Văn Can hiện nay sẽ được sửa chữa, biến thành nơi biểu diễn âm nhạc của khu phố cổ (ca trù, chầu văn...); Nhà hát Cải lương Hà Nội đang làm dự án xây dựng lại rạp Đông Đô tại 20 Lương Ngọc Quyến; Đoàn Xiếc Hà Nội có dự án tại 21-23-25 Thái Thịnh...