Theo dự thảo, EVN sẽ được tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% trở lên (thay vì 3%) như quy định hiện hành.
Theo quy định, EVN chỉ được tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3%, mức giá này điều chỉnh khi các thông số đầu vào của các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) tăng. Tuy nhiên, tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cần giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1%, EVN có thể tăng giá điện sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện bình quân, theo quy định hiện là 1.864,44 đồng một kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp.
Quảng cáo
Tính toán của EVN hồi tháng 6 cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.
Tại hội thảo về phát triển năng lượng ngày 23/9, đại diện EVN đề xuất, cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo Quyết định 24/2017.
Lý do, tập đoàn này đang đối mặt khó khăn lớn. 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỷ trọng 82,45% trong cơ cấu giá), tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang. Các chi phí đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện) trong khâu phát điện tăng vọt, tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng của EVN, tập đoàn này ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện tăng cao. Việc này tạo ra áp lực tăng giá điện rất lớn.